Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IMF cảnh báo châu Á đối mặt rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, triển vọng kinh tế các nước khu vực châu Á đang đối mặt rủi ro tiềm ẩn từ xu hướng chủ nghĩa bảo hộ.

 Quỹ Tiền tệ Quốc tế có trụ sở tại Washington, Mỹ.

Theo đó, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2017 lên 5,5% so với dự báo hồi tháng 10/2016 là 5,4%. Đại diện IMF cho biết, các chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo trong khu vực sẽ là cơ sở cho nhu cầu nội địa.

Trong tháng 4/2017, IMF tiếp tục giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng trong khu vực cho năm 2018 là 5,4%. Trước đó, trong năm 2016, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt mức tăng trưởng 5,3%.

Báo cáo trên được đưa ra vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải vật lộn với thách thức về việc định hướng từ những rủi ro do sự gia tăng trong chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đồng thời là khả năng tăng chi phí tài chính khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất.

Theo đại diện IMF, việc tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu có thể gây ra sự biến động đối với dòng vốn. Đặc biệt, các nước khu vực châu Á rất dễ bị tổn thương từ sự suy giảm thương mại toàn cầu, bởi khu vực này có tỷ lệ mở cửa thương mại cao, với sự tham gia của chuỗi cung cấp toàn cầu.

Nếu tăng trưởng tiếp tục suy yếu, một số ngân hàng T.Ư trong khu vực, bao gồm Malaysia và Thái Lan có thể sẽ phải cắt giảm lãi suất. Đồng thời, các nước khác bao gồm, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam nên sẵn sàng tăng lãi suất nếu đối mặt với áp lực từ lạm phát tăng.

Trước đó, IMF đã đưa ra cảnh báo về rủi ro bình ổn tài chính toàn cầu tại hội nghị mùa xuân của tố chức này tại Washington. Đại diện IMF đưa ra một báo cáo cho thấy, đang có sự gia tăng đáng báo động của các khoản nợ xấu DN – những trường hợp mà lợi nhuận hoạt động không đủ bù cho lãi phải trả - tại Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì và Brazil.

Theo đó, chủ nghĩa bảo hộ cũng là một nguyên nhân khác khiến gia tăng con số này. Các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không tác động nhiều lên các nước chuyên xuất khẩu hàng hóa như Nga hay Ả Rập Saudi, nhưng có thể làm tình hình nợ của các DN Trung Quốc xấu đi nhanh chóng.