Ảnh minh họa. (Nguồn: marketoracle.co.uk)
Theo thông cáo của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế, cơ quan chiến lược chủ chốt thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đưa ra ngày 13/10 sau Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tokyo (Nhật Bản), các bộ trưởng tài chính 188 nước thành viên đã kêu gọi thế giới "hành động nhanh và hiệu quả" nhằm lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ và xây dựng lại lòng tin đang bị lung lay.
Thông cáo nêu rõ: "Hành động tập thể mang tính quyết định vào thời điểm này là cần thiết để đưa kinh tế toàn cầu trở với tăng trưởng bền vững và cân bằng. Chính sách tài khóa của thế giới nên được định hướng một cách thích hợp để có thể phát triển một cách bền vững nhất."
Thông cáo cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển nên thực hiện cải cách cơ cấu cần thiết và các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy, trong khi các nền kinh tế mới nổi nên duy trì hoặc sử dụng các chính sách linh hoạt nhằm đối phó với những cú sốc bất lợi và thúc đẩy tăng trưởng.
Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương khẳng định một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lúc này sẽ tạo ra sức bật cần thiết để phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thông cáo của ủy ban trên cho rằng nới lỏng chính sách tiền tệ, như Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng trung ương khác đã tiến hành đã phát huy hiệu quả, song điều quan trọng là các kế hoạch củng cố tài chính trong giai đoạn trung hạn cũng cần phải được thực hiện đồng thời.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định Eurozone đã đạt được những tiến bộ nhất định, quyết định Giao dịch tiền tệ trực tiếp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và khởi động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã được hoan nghênh.
Tuy nhiên, bà Lagarde khẳng định cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp phối hợp. Trước đó, tại Hội nghị IMF và WB, quan chức hàng đầu của IMF cũng kêu gọi các nước nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề nợ của châu Âu và tìm ra cách tiếp cận cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ.
Phát biểu trước các phóng viên tại Tokyo, Tổng Giám đốc Lagarde đề cao những bước đi gần đây nhằm củng cố hệ thống tài chính của châu Âu, vốn đang chịu gánh nặng nợ công cao và hoạt động yếu kém của các ngân hàng ở các quốc gia như Hy Lạp và Tây Ban Nha.
ECB đã quyết định mua với số lượng không hạn chế các trái phiếu chính phủ nhằm giúp hạ thấp chi phí đi vay, tuy nhiên, các quốc gia muốn hưởng lợi từ biện pháp này trước hết phải xin cứu trợ kinh tế từ các quốc gia khác.
Các chính phủ châu Âu cũng có nhiều động thái nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Mặc dù vậy, đề xuất thành lập một hệ thống giám sát ngân hàng châu Âu đã vấp phải nhiều khó khăn khi Đức muốn có thêm thời gian để lên kế hoạch chi tiết trước khi ECB thực hiện chức năng giám sát các ngân hàng.
Bà Lagarde nhấn mạnh: "Chúng ta đã có nhiều hành động. Tuy nhiên, chúng ta cần hành động nhiều và nhanh hơn nữa" để giải quyết cuộc khủng hoảng của châu Âu.