Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IMF và WB tìm giải pháp cho tăng trưởng toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Getty Images

Giữa lúc thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ nguy cơ suy thoái kinh tế của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), bất ổn tài chính do các cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông và Ukraine cùng với đó là những tổn thất nghiêm trọng về người và của từ dịch bệnh Ebola, Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) từ 10 - 12/10 được coi là cơ hội vàng để các nhà hoạch định chính sách tài chính toàn thế giới tìm cách giải bài toán khó này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện này.

 
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Getty Images
Kinhtedothi - Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Getty Images
6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, buộc IMF và WB phải nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng. Theo báo cáo mới nhất được IMF công bố cuối tuần trước, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3,3% trong năm 2014, thấp hơn so với ước tính đưa ra 3 tháng trước đó. Điều đáng buồn là những thách thức mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt không khác nhiều so với khuyến nghị mà Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đưa ra tại Hội nghị thường niên cách đây nửa năm. Vì thế, không ngạc nhiên tại Hội nghị lần này, cảnh báo về sự sụt giảm tăng trưởng một lần nữa được phát đi. Đặc biệt, một trong những vấn đề nóng trong chương trình nghị sự của Hội nghị là tìm ra giải pháp ngăn chặn dịch bệnh Ebola khi số người thiệt mạng vì virus nguy hiểm này đã vượt quá 4.000 và thiệt hại về kinh tế được dự báo sẽ xấp xỉ 33 tỷ USD trong năm 2015.

Bên cạnh việc ngăn chặn dịch Ebola lây lan, việc bảo vệ hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu của IMF và WB. Đáp lại lời kêu gọi của 2 định chế tài chính này, Ủy ban Phát triển của WB gồm 25 Bộ trưởng Tài chính đại diện cho 188 thành viên của WB và IMF đã ra thông cáo chung thể hiện cam kết của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu trong việc tiến hành các nỗ lực phối hợp nhằm đối phó với các rủi ro như dịch bệnh Ebola, chống biến đổi khí hậu và đầu tư cho hạ tầng. Riêng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, WB đã nhận được sự ủng hộ của 74 Chính phủ, chiếm 54% lượng khí thải thế giới.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, IMF và WB đã thúc giục Chính phủ các nước đẩy mạnh cải cách vốn bị trì hoãn trong thời gian dài. Theo đó, các nước tiến hành những biện pháp cải cách triệt để đối với thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội, giải phóng nguồn tiền để chuyển sang đầu tư cho phát triển hạ tầng nhằm tạo thêm việc làm và kích thích tăng trưởng.

Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế của IMF cũng khẳng định để tránh được các rủi ro trong tương lai, các ngân hàng T.Ư phải thận trọng khi thay đổi chính sách nhằm tránh gây ra các cú sốc trên thị trường tài chính. Trước đó, trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, hôm 9/10, WB đã công bố sáng kiến hình thành sự hợp tác công - tư mới có tên là Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (GIF). Chủ tịch WB Jim Yong Kim tin tưởng, GIF sẽ mang đến sự hợp tác "chưa từng có" giữa khu vực tư nhân với các quốc gia cung cấp viện trợ, các ngân hàng phát triển đa phương trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và mới nổi.

Với những cam kết và quyết tâm tiến hành hợp tác để giải quyết các vấn đề chung toàn cầu của các nhà hoạch định chính sách tài chính, tiền tệ toàn thế giới được đưa ra tại Hội nghị thường niên lần này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lạc quan về một đà tăng trưởng khả quan hơn trong tương lai.