Tìm kiếm mô hình hoạt động mới
Sau hàng chục năm hoạt động, vai trò lãnh đạo thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu của WB và IMF đang bị thách thức nghiêm trọng từ Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS. Vì thế, trong vòng một tuần (5 – 12/10), bên cạnh các chương trình nghị sự chính, các quan chức cấp cao về tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các tập đoàn lớn sẽ thảo luận về việc điều chỉnh mô hình hoạt động mới cho WB hoặc IMF… Trong khi AIIB thông báo các dự án cơ sở hạ tầng tại Pakistan đã trở thành “khách hàng” đầu tiên của ngân hàng, WB và IMF càng có lý do để lo lắng cho vai trò và vị thế của mình tại khu vực. Trước khi AIIB và NDB thực hiện các bước đi tiếp theo, WB và IMF đã quyết định phục hồi vai trò và củng cố ảnh hưởng tại châu Mỹ Latin. Vì thế, thay vì được tổ chức tại Washington (Mỹ), việc quan chức cấp cao về tài chính, ngân hàng và phát triển kinh tế toàn cầu tập trung tại thủ đô Lima, Peru là tuyên bố rõ ràng nhất cho nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước Trung và Nam Mỹ.
Mối quan hệ giữa WB và IMF với các nước trong khu vực này đã bị “đóng băng” trong một thời gian dài do những khác biệt về quan điểm chính trị. Thậm chí hầu hết các quốc gia, trừ Mexico và Colombia đã quay lưng lại với hai định chế tài lớn nhất hành tinh bởi họ đã không được giúp đỡ trong những giai đoạn gặp khủng hoảng kinh tế. Do đó, xích lại gần các quốc gia này hơn là một phần của chiến lược gia tăng ảnh hưởng, từng bước đổi mới mô hình hoạt động, gia tăng sức cạnh tranh trước sự ra đời của một loạt các định chế tài chính mới.
Bàn thảo hàng loạt hồ sơ nóng
Bên cạnh quyết tâm “hâm nóng” mối quan hệ với các nước Trung và Nam Mỹ, hàng loạt các hồ sơ nóng của kinh tế toàn cầu hiện nay như vấn đề tỷ giá của đồng Nhân dân tệ; sự suy giảm kinh tế và nguy cơ vỡ bong bóng chứng khoán của Trung Quốc; nợ công tại các nước mới nổi cũng được đưa ra bàn thảo. Đặc biệt, mối quan ngại về tình hình “sức khỏe” của các nước mới nổi ngày càng tăng lên do tác động tiêu cực từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo báo cáo mới được đại diện IMF công bố hôm 7/10 trong một phiên thảo luận tại Lima, các khoản nợ tại thị trường mới nổi đã lên tới 4,2 ngàn tỷ USD, tương đương với 15% GDP của các nước này và bằng 25% GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ này đã đẩy các nước mới nổi đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng lớn chưa từng có. Bên cạnh đó, động thái có thể tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ duy trì ở mức thấp kỷ lục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể gây ra một làn sóng rút vốn khổng lồ từ các thị trường mới nổi.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua và sự lên xuống thất thường của các đồng tiền trên toàn thế giới khiến ít nhất 800 tỷ USD “bốc hơi” khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu. Đây chính là lý do IMF khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tăng cường tiếp cận linh hoạt các thị trường vốn chủ sở hữu khác và đề nghị FED hoãn tăng lãi suất đến khi lạm phát có dấu hiệu tăng lên gần ngưỡng mục tiêu 2%. Ngay cả khi đã tăng lãi suất, giới chức FED cũng được IMF khuyến cao nên tăng dần theo lộ trình nhằm tránh những cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu, nhất là tại các nước mới nổi.
Giới chức tài chính, ngân hàng toàn cầu đổ dồn về Lima, Peru nhằm tham dự các phiên thảo luận về những vấn đề nóng của kinh tế toàn cầu.
|