Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Indonesia cấm xuất khẩu bô-xít, thách thức WTO

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm nay (21/12) tuyên bố sẽ tiếp tục cấm xuất khẩu một loại khoáng sản khác nữa, bất chấp phán quyết bất lợi từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Động thái này được cho thể hiện quyết tâm của chính quyền Indonesia trong việc nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và tinh chế khoáng sản trong nước phát triển.

“Chính phủ cam kết tiếp tục khẳng định chủ quyền trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và nâng cao giá trị của sản phẩm trong nước nhằm tạo ra càng nhiều việc làm càng tốt, tăng doanh thu từ ngoại hối và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế đồng đều" - ông Widodo phát biểu từ Dinh Tổng thống ở Jakarta.

Nhà lãnh đạo cho biết, lệnh cấm xuất khẩu bô-xít sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2023. Ông Widodo kỳ vọng động thái này sẽ tăng giá trị xuất khẩu bô-xít của đất nước từ khoảng 21 nghìn tỷ rupiah (1,35 tỷ USD) lên ít nhất 62 nghìn tỷ rupiah.

Vào tháng 1/2020, Chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu niken, gây ra tranh chấp giữa quốc gia này với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi Indonesia là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, một thành phần không thể thiếu trong sản xuất thép không gỉ và pin xe điện. Indonesia năm nay cũng đã tạm thời cấm vận chuyển than đá và dầu cọ, khiến cho các thị trường này trở nên hỗn loạn.

Thông báo về bô-xít được đưa ra bất chấp thất bại gần đây của Indonesia tại WTO. Vào ngày 30/11, cơ quan thương mại đã ra phán quyết rằng lệnh hạn chế xuất khẩu niken của Indonesia - mà Liên minh châu Âu (EU) cho rằng đang gây tổn hại cho ngành thép không gỉ của nước này - là không hợp lý.

Ông Jokowi cho biết Chính phủ của ông sẽ kháng cáo phán quyết này. Hôm 21/12, ông khẳng định rằng Indonesia sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hạn chế xuất khẩu, đồng thời cho biết chính phủ sẽ công bố một lệnh cấm xuất khẩu đối với một hoặc hai mặt hàng khác. Nếu theo tuyên bố trước đây của các quan chức nước này thì lần tới có thể là thiếc hoặc đồng.

"Chúng tôi đã có sẵn những toan tính đối với các mặt hàng khác, thậm chí là tất cả ngành công nghiệp đã sẵn sàng để ngừng xuất khẩu. Ngay cả khi một số ngành vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng thì chúng tôi cũng lập tức ngừng xuất khẩu" - Tổng thống Indonesia nói.

"Mặc dù chúng tôi đang bị kiện, nhưng không vấn đề gì"- ông Widodo nói thêm - "Lệnh cấm niken đã khiến chúng tôi bị kiện và có thể cả những gì chúng tôi đang thông báo nữa, nhưng không sao cả. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục nâng cao giá trị càng nhiều càng tốt".

Ông Widodo nhấn mạnh lệnh cấm niken đã làm tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Indonesia từ 1,1 tỷ USD vào năm 2014 lên 20,9 tỷ USD vào năm ngoái, khi mà quốc gia này chỉ vận chuyển quặng niken. Con số này có thể lên đến hơn 30 tỷ USD trong năm nay.

Indonesia hiện là một trong ít quốc gia có trữ lượng bô-xít lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, hầu hết bô-xít khai thác ở nước này đã được chuyển đến các quốc gia khác, như Trung Quốc và Australia trong nhiều năm qua và Indonesia sau đó phải mua các sản phẩm tinh chế từ các nền kinh tế này.

Ông Hartarto cho biết thêm, 4 nhà máy lọc dầu ở Indonesia hiện sử dụng bô-xít làm nguyên liệu thô với tổng công suất là 4,3 triệu tấn alumin, một sản phẩm trung gian. Họ đang chuẩn bị để tăng gấp đôi công suất đó.

Theo Nikkei Asia, trữ lượng bô-xít hiện có của Indonesia ước tính đủ để hỗ trợ sản xuất trong 90-100 năm.