Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IOM cảnh báo về những chuyến di cư định mệnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo vừa được đưa ra của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong 14 năm qua, trung bình mỗi ngày có 8 người di cư bỏ mạng trong hành trình tìm đến “miền đất hứa”.

Báo cáo "Hành trình chết người: Dõi theo những mạng người đã mất khi di cư" được IOM công bố ngày 29/9 sau một nghiên cứu kéo dài 6 tháng cho biết gần 40.000 người đã chết trên các nẻo đường di cư trên toàn thế giới, trong đó có 22.000 người chết khi cố gắng để tới châu Âu. Số người di cư thiệt mạng tính riêng từ đầu năm đến nay là khoảng 4.100 người, song con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Theo báo cáo của IOM, số người chết cao bất thường ở Địa Trung Hải phản ánh mức tăng mạnh lượng người di cư tìm cách tới châu Âu qua con đường này, với hơn 112.00 người di cư trái phép đã bị nhà chức trách Italy phát hiện trong năm 2014 - cao hơn gần gấp 3 lần so với năm 2013.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2000, gần 6.000 người di cư đã chết dọc theo biên giới Mỹ - Mexico, trong khi số người di cư bỏ mạng trên sa mạc Sahara châu Phi và Ấn Độ Dương là 3.000.

Công bố báo cáo nói trên, IOM kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết điều mà họ gọi là "vấn nạn tội ác và đối xử tàn nhẫn".

Ông William Lacy Swing, Tổng Giám đốc IOM nhấn mạnh đã đến lúc cần hành động hơn nữa ngoài việc đếm nạn nhân và thế giới cần liên kết để ngăn chặn bạo lực nhằm vào những người di cư tuyệt vọng.

Theo ông Frank Laczko, tác giả báo cáo nói trên và cũng là Giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu di cư của IOM, đây là bản báo cáo toàn diện nhất từ trước đến nay có thống kê về số người thiệt mạng trong hành trình di cư.

Bên cạnh việc thống kê, IOM cũng đang thực hiện một dự án tìm kiếm người di cư mất tích (MMP), trong đó sử dụng mạng xã hội để liên kết các cộng đồng trên toàn thế giới. Sau tai nạn chìm tàu tại Malta làm nhiều người di cư thiệt mạng trong tháng này, các văn phòng của IOM trên toàn thế giới đã nhận được nhiều cuộc gọi, thư điện tử và các đăng tải trên mạng xã hội từ thân nhân gia đình trên khắp châu Âu và Trung Đông tìm kiếm thông tin về những người thân bị mất tích của họ. IOM hy vọng MMP không chỉ là cầu nối thông tin giữa người di cư với thân nhân của họ mà còn đóng vai trò cảnh tỉnh mạnh mẽ những người đang có ý định dấn thân vào những hành trình di cư nguy hiểm.