Iran kêu gọi Nga, Trung “hành động cụ thể” để cứu JCPOA

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vừa hối thúc "bạn bè" bao gồm Trung Quốc và Nga có "hành động cụ thể" để cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngày 17/5, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đến thăm Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm cứu Thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ trong thời gian gần đây.
 Hai ngoại trưởng Iran và Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 17/5.
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Zarif sẽ trao đổi với các quan chức Trung Quốc về "quan hệ song phương và các vấn đề vô cùng nguy hiểm đang diễn ra ở khu vực", theo một video đăng trên website của Bộ Ngoại giao Iran.
Ngoại trưởng Zarif cho biết Tehran mong các nước không chỉ đưa ra tuyên bố  khi căng thẳng với Mỹ đang leo thang.
Ông Zarif cũng kêu gọi các "bạn bè" bao gồm Trung Quốc và Nga có "hành động cụ thể" để bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015 sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước.
"Nếu cộng đồng quốc tế cùng các thành viên khác của JCPOA và các bạn bè của chúng tôi trong thỏa thuận như Trung Quốc và Nga muốn giữ được thành tựu này, họ cần có những hành động vững chắc để đảm bảo người dân Iran được hưởng lợi từ JCPOA", Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh. "Tới nay cộng đồng quốc tế chủ yếu mới chỉ ra tuyên bố thay vì hành động".
Tuyên bố của Ngoại trưởng Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại vùng Vịnh sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tăng cường áp lực quân sự với Tehran bằng cách triển khai lực lượng quân sự lớn đến Vùng Vịnh. Mỹ đã điều một nhóm tác chiến tàu sân bay cùng các máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông tuần trước nhằm răn đe "mối đe dọa từ Iran". 
Tuy nhiên, Iran hôm 16/5 đã bác bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ và cho biết họ đang thể hiện "sự kiềm chế tối đa" sau khi Washington gửi thêm lực lượng quân sự tới khu vực chống lại những gì họ tuyên bố là mối đe dọa sắp xảy ra từ Tehran.
JCPOA được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015. Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do thỏa thuận này không đủ để ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, trong khi Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu ký thỏa thuận cho rằng JCPOA cần được duy trì.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Zarif nói rằng chỉ có Nga và Trung Quốc ủng hộ Iran và giúp duy trì thỏa thuận hạt nhân, cáo buộc các bên khác khiến Tehran thất vọng. 
Bất chấp chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ, Iran cam kết sẽ tiếp tục bán dầu cho các khách hàng chính, đặc biệt là Trung Quốc, dù thông qua các phương thức gián tiếp.
Trung Quốc là một trong 8 khách hàng lớn cùng Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Italia và Hy Lạp, được phép nhập dầu thô của Iran trước khi Mỹ chấm dứt lệnh miễn trừ trong tháng 5 và gia tăng các biện pháp cấm vận nhằm bóp nghẹt nền kinh tế và sức mạnh quân sự của Tehran./.