Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”. Mục tiêu chung của Đề án là ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, dạy và học nghề bằng các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin theo hướng số hóa, mô phỏng hóa các máy móc, thiết bị dạy nghề tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về quản lý, dạy và học nghề theo hướng hiện đại; tạo đột phá về chất lượng đào tạo góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập với khu vực và quốc tế.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Đề án phấn đấu đến năm 2017, ứng dụng CNTT trong việc tuyển dụng lao động và theo suốt quá trình làm việc, học tiếp; triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và các hoạt động quản lý, điều hành ở cơ quan Trung ương, địa phương và triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4 đối với các hoạt động quản lý, điều hành ở cơ quan Trung ương và địa phương vào năm 2020.
Về các trường được lựa chọn để phát triển thành trường nghề chất lượng cao, đến năm 2017, Đề án sẽ ứng dụng CNTT trong việc tuyển dụng, theo dõi quá trình, kết quả học tập của học sinh tới khi ra trường; hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT và phương tiện, thiết bị dạy học phục vụ công tác quản lý và hoạt động dạy, học nghề.
Đối với các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia, phấn đấu đến năm 2017 có khoảng 40% chương trình, giáo trình được ứng dụng các phần mềm mô phỏng và xây dựng các bài giảng thực hành ảo mô phỏng các tình huống thực tế.
Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở hạ tầng CNTT hoàn thiện và phương tiện, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác quản lý, hoạt động dạy và học nghề; có ít nhất 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế và ứng dụng đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp; có ít nhất 60% chương trình, giáo trình của các nghề đào tạo được số hóa và lưu trữ bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với thực tiễn của nghề...
Đồng thời, Đề án phấn đấu đến năm 2020 thiết lập hệ thống quản lý ngân hàng đề thi và chứng chỉ kỹ năng nghề trong hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đánh giá kỹ năng nghề; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp…
Ảnh minh họa.
|