Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ít nhất 9 người chết, 4 người mất tích do mưa lớn từ hoàn lưu bão số 8

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, những ngày qua tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đã có mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương, đặc biệt là Khánh Hòa và Phú Yên.

Cảnh tan hoang ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang do mưa bão.

Theo ghi nhận, TP Nha Trang (Khánh Hòa) là nơi hứng chịu thiệt hại lớn nhất. Mưa như trút vào ngày 17 - 18/11 đã gây sạt lở đất nghiêm trọng khiến ít nhất 9 người chết, 4 người mất tích. Cụ thể, phường Vĩnh Thọ 2 người chết; phường Vĩnh Trường 1 người chết và 1 người mất tích; phường Vĩnh Hóa 2 người chết và 1 người mất tích; xã Phước Đồng 4 người chết và 2 người mất tích.
Theo chia sẻ của nhiều người dân xã Phước Đồng, đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm, địa phương mới xảy ra tình trạng sạt lở đất. Tại các địa phương, khối lượng sạt lở đất đá, cây cối gãy đổ rất lớn.
Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân địa phương dọn dẹp hiện trường, tìm kiếm người còn bị mất tích dưới đống đổ nát. Dù vậy, công tác tìm kiếm gặp khá nhiều bất lợi, do mưa vẫn tiếp diễn và địa hình đồi núi khiến việc di chuyển, đưa trang thiết bị tham gia tìm kiếm, cứu nạn gặp khó khăn.
Mưa lớn những ngày qua cũng khiến 5 phường xã thuộc TP Nha Trang và quốc lộ 1 bị ngập sâu, có nơi tới 1m. Đời sống của người dân bị xáo trộn, việc đi lại hết sức vất vả. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Bắc Nam qua TP Nha Trang cũng bị tê liệt do mưa lớn. Hàng trăm hành khách vẫn đang bị kẹt lại tại ga Lương Sơn cách TP Nha Trang khoảng 12km.
Bên cạnh TP Nha Trang, hoàn lưu bão số 8 gây lốc xoáy tại danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên) cũng đã khiến ít nhất 23 du khách và 4 người dân địa phương bị thương. Trận lốc xoáy chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút, nhưng đã khiến hàng chục hàng quán ven danh thắng bị thổi bay tan tác. Nhiều phương tiện hư hỏng do bị cây cối, mái tôn, cột sắt… bay trúng.
Trước hậu quả nặng nề do mưa lớn gây ra, chiều tối 18/11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 57/CĐ-TW đề nghị 8 địa phương khu vực Nam Trung Bộ cùng các bộ ngành phân công lãnh đạo, tăng cường cán bộ xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức sơ tán người dân tới nơi trú tránh an toàn. Tăng cường thông tin tuyên truyền, nhất là ở tuyến cơ sở để người dân và chính quyền địa phương biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Riêng đối với tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu khẩn trương huy động mọi nguồn lực tìm kiếm người còn đang bị mất tích. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời gia đình có người bị thương vong.