Italy hiện nằm trong nhóm nước châu Âu có tỷ lệ vi khuẩn "nhờn" kháng sinh cao nhất. Đây là đánh giá của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh châu Âu (ECDC) trong một báo cáo mới được công bố ngày 17/11 trong dịp Ngày Tuyên truyền về kháng sinh lần thứ 7 tại châu Âu.
Tại Italy, hiện tượng vi khuẩn có khả năng kháng lại kháng sinh dòng Carbapénèmes - một dòng kháng sinh cực mạnh, điển hình như pénicillines-đã tăng gấp đôi; tăng từ 15,2% năm 2010 lên 34,3% năm 2013.
Với tỷ lệ này, Italy chỉ đứng sau Hy Lạp với tỷ lệ lên tới 59,4%. Vi khuẩn Klebsiella gây bệnh viêm phổi là một ví dụ điển hình của thực tế này. Loại vi khuẩn này gây ra các triệu chứng viêm nhiễm rất nguy hiểm cho người bệnh và hiện đã có khả năng kháng lại các loại kháng sinh mạnh nhất rất cao; tăng từ 4,6% số trường hợp năm 2010 lên 8,3% năm 2013.
Theo Giám đốc của ECDC, Giáo sư Marc Sprenger, hiện tượng này là rất đáng lo ngại vì với số lượng kháng sinh có hiệu quả ngày càng giảm đi thì thế giới sẽ nhanh chóng quay trở lại kỷ nguyên "tiền kháng sinh" - khi chưa có kháng sinh - khi mà các loại bệnh sinh ra từ vi khuẩn không thể điều trị và con người sẽ chết dần chết mòn vì không có các liệu pháp điều trị hữu hiệu.
Để hạn chế tình trạng này, các nước châu Âu cần có biện pháp hữu hiệu và khẩn cấp để đấu tranh với việc lạm dụng kháng sinh, Giáo sư Marc Sprenger nói thêm.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa. (Nguồn: ecdc.europa.eu) |