Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Jakarta đối mặt thách thức giao thông thiếu hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn kinh doanh Credo, có trụ sở tại London, tất cả...

Kinhtedothi - Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn kinh doanh Credo, có trụ sở tại London, tất cả những ai tham gia giao thông ở Jakarta của Indonesia đều phải chịu sự phiền toái, lãng phí tiền bạc và thời gian do hệ thống giao thông thiếu hiệu quả của thành phố này.

Chuyên gia cấp cao Chris Molloy của Credo cho biết cư dân khu vực Vịnh Marina ở Jakarta hàng năm phải chi tới 23,5% thu nhập bình quân đầu người của mình cho đi lại, trong khi tỷ lệ chi phí kinh tế hiệu quả nhất là khoảng 10%.

 
Cảnh tắc đường tại Jakarta. (Nguồn: bubblews.com)
Cảnh tắc đường tại Jakarta. (Nguồn: bubblews.com)
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia, thu nhập bình quân đầu người của nước này năm 2013 là 33,5 triệu rupiah, tương đương 2.900 USD.

Ông Molloy cho biết mặc dù chính quyền Jakarta đã đầu tư vào một mạng lưới xe buýt có làn đường ưu tiên dành riêng trong nỗ lực cải thiện hệ thống giao thông công cộng với chi phí thấp, song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu bởi sự gia tăng mạnh mẽ các phương tiện vận tải cũng như lượng người tham gia giao thông, khiến tắc nghẽn tiếp tục là tình trạng phổ biến hàng ngày tại đây.

Credo đã tiến hành nghiên cứu có tên gọi “Cơ hội đi lại” tại 35 thành phố lớn trên thế giới nhằm đánh giá khả năng chuẩn bị đáp ứng những thách thức trong tương lai, bao gồm cả tăng trưởng dân số và cạnh tranh cao hơn, theo đó Copenhagen (Đan Mạch) là thành phố đứng đầu về hiệu quả giao thông với chi phí cho giao thông chỉ ở mức 8,6% bình quân thu nhập đầu người, tiếp theo là Singapore (8,9%) và Santiago của Chile (10,8%). Cả ba thành phố này đều có dịch vụ tàu điện ngầm. Trong khi đó đứng cuối bảng là thành phố Lagos (Nigeria) với 27,7%.

Theo nghiên cứu của Credo, chỉ có hệ thống tàu điện ngầm ở Jakarta mới có thể giải quyết được vấn đề, bởi lượng phương tiện vận tải tham gia giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng ở thành phố này dự kiến sẽ tăng từ 1,5 triệu lên 2,5 triệu vào năm 2030.

Jakarta có thể hưởng lợi kinh tế tới 8,9 tỷ USD/năm vào năm 2030, nếu nâng cấp được mạng lưới giao thông đạt chuẩn thế giới.

Giám đốc điều hành bộ phận Cơ sở hạ tầng và Thành phố của Siemens, Roland Busch, cho biết hệ thống giao thông đạt chuẩn thế giới là một hệ thống phải đảm bảo cho người tham gia giao thông đi lại nhanh, dễ dàng và thoải mái tới các điểm đến của họ.

Hiện chính quyền thành phố Jakarta đã bắt đầu triển khai giai đoạn đầu tiên của dự án xây dựng hệ thống xe điện nhanh chạy trên đường ray với hy vọng sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc.