Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Joe Biden - sản phẩm của "bỏ phiếu hận thù"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ Mỹ năm 2020 đã chính thức gọi tên cựu Phó Tổng thống Joe Biden là ứng viên đại diện cho cuộc đua tới Nhà Trắng vào tháng 11 tới, nhưng với "sứ mệnh" chống lại Tổng thống Trump hơn là chứng minh năng lực lãnh đạo quốc gia.

Joe Biden cùng vợ ăn mừng việc trở thành ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ.

Gần 4 thập kỷ "ôm mộng" Nhà Trắng
Ngay cả với đa số người dân Mỹ, Joe Biden chủ yếu được biết đến là Phó Tổng thống đã phục vụ 8 năm dưới thời Barack Obama. Một số người có thể biết thêm rằng ông Biden trước đây từng là Thượng nghị sĩ 6 nhiệm kỳ của tiểu bang Delaware, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện và sau đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại.
Tuy nhiên, ít ai nhớ việc Joe Biden cũng từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ vào năm 2008, đã bỏ cuộc sau khi chỉ xếp thứ 5 trong các cuộc họp kín ở tiểu bang Iowa nhưng rồi sớm trở thành Phó Tổng thống Mỹ sau đó 1 năm.
Ông cũng có khoảng thời gian tranh cử bùng nổ vào năm 1987, khi nằm trong số những người được yêu thích hàng đầu cho đề cử Tổng thống năm 1988. Thậm chí cuộc đua đến Nhà Trắng của Biden đã bắt đầu từ năm 1984, bằng một chiến dịch mà kết quả là ông chỉ nhận được 1 phiếu bầu của đại biểu tại đại hội toàn quốc.
Joe Biden cũng được xem như một ứng cử viên Tổng thống tiềm năng trong những kỳ bầu cử gần đây, đặc biệt là năm 2016. Với tư cách là phó tướng của cựu Tổng thống Obama, ông Biden có thể đã cạnh tranh với bà Hillary Clinton - ứng cử viên cuối cùng.
Ông cũng đã công khai xem xét việc chạy đua vào năm 2015, nhưng hoãn lại sau khi con trai ông, Beau Biden, qua đời vì bệnh ung thư vào tháng 5. Ông đưa ra thông báo hoãn vào tháng 10, nhưng vài tháng sau đó thừa nhận bản thân cảm thấy hối tiếc vì đã không kiên trì tranh cử.
Ông Biden cùng gia đình trong cuộc vận động tranh cử năm 1987. 
Trở về hiện tại, những người quan tâm lại rất rõ một Joe Biden đã bắt đầu cuộc đua năm 2020 với tư cách là người dẫn đầu của đảng Dân chủ, nhưng không ít lần vấp ngã và thậm chí suýt bị loại sớm hồi tháng 2 năm nay.
Các cuộc thăm dò của Real Clear Politics cho thấy, ông Biden luôn dẫn đầu nhưng không thể vượt trội trong suốt năm 2019, khi mà có những thời điểm có hơn 20 ứng viên Dân chủ tiềm năng khác nhau, khiến tỷ lệ ủng hộ Joe Biden hiếm khi vượt quá 30%.
Rõ ràng những hoài nghi ban đầu với ông Biden là không thể tránh khỏi, một phần chính bởi những thăng trầm trong gần 40 năm hoạt động tranh cử của ông. Tuy nhiên, sau khi trụ vững đến cuối con đường nơi đảng nhà, dự báo cho ông Biden vào tháng 11 tới lại vô cùng khả quan.
Thị trường cá cược, với tỷ lệ 2-1, cùng các cuộc thăm dò trung bình dẫn trước 8 điểm phần trăm, đều cho rằng Joe Biden khả năng cao sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Vậy điều gì đã củng cố vững chắc vị trí ứng cử viên Tổng thống chính thức đảng Dân chủ của ông Biden như hiện nay?
Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Giới quan sát nhận định, có 3 sự thay đổi mấu chốt đã khiến vị chính khách 78 tuổi trở thành lựa chọn phù hợp nhất của cánh tả trong cuộc đối đầu với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Trước hết, vốn được đánh giá là người hào hoa và hoạt ngôn đến hớ hênh trong những năm ở Thượng viện, Joe Biden đã tỏ ra trầm tĩnh hơn trước công chúng trong chiến dịch tranh cử hiện tại.
Ông cũng thể hiện sự tỉnh táo trước đại dịch, thông qua các lời kêu gọi người dân cẩn trọng, đeo khẩu trang… - trái với phong cách của Tổng thống Trump. Sự trưởng thành đó đã phát huy tác dụng trong môi trường dịch bệnh rối ren hiện nay, ít nhất là trong số các đảng viên Dân chủ - phần lớn là những người coi cuộc khủng hoảng Covid-19 là mối quan tâm lớn và có chung cảm giác lo lắng đối với các quyết sách của chính quyền Trump.
Ông Biden lắng nghe các cử tri ủng hộ trong Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ hôm 18/8. 
Cùng với đó, Đảng Dân chủ ngày nay đã trẻ hơn và ít người da trắng hơn so với thời điểm ông Biden lần đầu tiên dự tính tranh cử tổng thống. Joe Biden trở thành ứng viên lớn tuổi nhất mà cả 2 bên từng có và sẽ là người “lão làng” nhất tại Nhà Trắng từ trước đến nay vào ngày ông nhậm chức Tổng thống.
Trong khi với mối quan hệ khăng khít luôn được tô đậm trước truyền thông với ông Obama, thu hút được nhiều thiện cảm của người da màu, ông Biden hiện lại được hưởng lợi nhiều hơn cả từ số phiếu bầu của họ - những cử tri vốn ủng hộ ứng cử viên Phó Tổng thống được ông Biden chọn, Kamala Harris, hay các Thượng nghị sĩ Cory Booker, Julian Castro… đều là những ứng viên Dân chủ da màu đã bỏ cuộc đua đến Nhà Trắng.
Cuối cùng, đúng như tinh thần của đảng chính trị lâu đời nhất của Mỹ hướng đến tại Đại hội toàn quốc 2020, diễn ra trực tuyến từ hôm 17 - 20/8 vừa qua, rằng đây không phải là dịp tôn vinh ông Joe Biden, mà là việc tập trung phản đối Tổng thống đương nhiệm đến từ đảng Cộng hòa.
Nói cách khác, nếu bộ đôi Obama - Biden năm 2008 được coi là đột phá, thì chiến dịch Biden - Harris năm 2020 thiên về sứ mệnh “giải cứu quốc gia”.
Sản phẩm của “bỏ phiếu hận thù”?
Trải qua chặng đường gian nan để khẳng định giá trị nơi đảng nhà, ông Joe Biden lại bị đánh giá là ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ yếu nhất một thế hệ.
Cuộc thăm dò mới nhất của CNN cho thấy ông Biden hơn ông Trump 4 điểm. Tuy nhiên trong số những người khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, chỉ 38% trả lời rằng đó là lá phiếu “Cho Biden” thay vì “Chống Trump”. Trong khi 67% số người nói sẽ bỏ phiếu cho đại diện đảng Cộng Hòa khẳng định đó là lá phiếu “Cho Trump”.
Đối chiếu với lịch sử bầu cử Mỹ gần đây: Vào tháng 9/2012, 69% cử tri Obama cho biết họ đã bỏ phiếu “Cho Obama” trong khi chỉ 48% cử tri Romney nói rằng họ bỏ phiếu “Cho Romney”; vào tháng 9/2004, Bush - Kerry ở thế 80% - 41%; vào tháng 9/1984, Reagan - Mondale ở thế 76% - 44%. Tháng 9/2016, Hillary Clinton -Donald Trump cũng ở thế 49% - 46%, trong đó bà Clinton thậm chí dẫn trước ông Trump 10 điểm.
Từ đó để thấy, ông Joe Biden là ứng cử viên Dân chủ duy nhất ghi nhận ủng hộ tuyệt đối dưới 40%.
Cuộc thăm dò mới nhất của CNN cho thấy ông Biden hơn ông Trump 4 điểm phần trăm.  
Đáng lưu ý, hãng thăm dò Gallup cuối tuần trước cho biết, cứ 4 người Mỹ thì có 1 người nghĩ rằng cả Joe Biden và Donald Trump đều không phải một tổng thống tốt. Còn theo Viện thăm dò ý kiến của ĐH Monmouth hồi tháng trước: “Một nửa số cử tri Mỹ nói rằng họ đã loại trừ việc bỏ phiếu cho ông Donald Trump vào tháng 11, trong khi tỷ lệ 4/10 người cũng nói điều tương tự về ông Joe Biden”.
Những con số như vậy đồng nghĩa với việc những người không trung thành với cả 2 đảng trên sẽ cảm thấy bắt buộc phải bỏ phiếu dựa vào người mà họ phản đối hơn là niềm tin với chính những người được đề cử, bất kể ông Trump tiếp tục giữ chức tổng thống hay ông Biden trở thành người kế vào tháng 11 tới.
Hiện tượng “bỏ phiếu hận thù” này - theo các nhà khoa học chính trị Alan Abramowitz và Steven Webster tại ĐH Emory - đang ngày càng gia tăng ở Mỹ khi sự thù địch đối với đảng đối lập đã làm lu mờ ảnh hưởng tích cực đối với đảng nhà.
Trong một báo cáo năm 2018, họ mô tả đây là “thay đổi lớn nhất trong lịch sử chính trị 40 năm qua” của xứ Cờ hoa, là biểu hiện cho vai trò ngày một ít quan trọng của chính phủ, do bị các đảng chính trị lớn kiểm soát.