Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kế hoạch tháo chạy hoàn hảo?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 23/1, trong bài phát biểu được trông đợi về mối quan hệ Anh - Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh David Cameron đã khẳng định cam kết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại tổ chức này vào năm 2015. Tuyên bố này một lần nữa làm gia tăng mối lo ngại về tương lai của cả Anh lẫn EU.

Dù khẳng định, trước khi tiến hành trưng cầu dân ý, London sẽ thực hiện các cuộc đàm phán song phương với cả Liên minh nhưng những bóng gió của Thủ tướng Cameron về việc EU không thể vượt qua được những thách thức của khủng hoảng cho thấy xứ sở sương mù đã và đang chuẩn bị cho mình kế hoạch "tẩu thoát" khỏi "con tàu EU". Bản thân kế hoạch bảo toàn lợi ích quốc gia của ông Cameron không phải là xấu nhưng nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực và ngay cả của Anh đã bày tỏ sự lo ngại về một tương lai "EU không có Anh". Phó Thủ tướng Nick Clegg nhấn mạnh, ở thời điểm nền kinh tế Anh chưa phục hồi, những cuộc tranh luận về tư cách thành viên EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và tăng trưởng, cũng như việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào quốc đảo sương mù.

Kế hoạch tháo chạy hoàn hảo? - Ảnh 1

Thủ tướng Cameron đang chịu áp lực ngày một lớn trước kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU.

 

 Kế hoạch mang tính "sống còn" này đối với cả Anh lẫn EU của Thủ tướng Cameron đã bị nhiều người chỉ trích là một ván bài chính trị nhằm mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015. Trong bối cảnh châu Âu khủng hoảng kinh tế, nhiều cử tri lẫn chính trị gia Anh vẫn xem EU như là một gánh nặng. Ngoài ra, việc những người chủ trương rời bỏ EU có tầm ảnh hưởng lớn trong đảng Bảo thủ thường xuyên nhấn mạnh rằng việc ở lại liên minh đã khiến quốc gia này mất đi nhiều quyền tự quyết định về ngoại giao và kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì thực hiện kế hoạch "tháo chạy", Anh nên tập trung vào việc thực hiện vai trò lãnh đạo ở châu Âu bằng cách phối hợp với các nước EU khác để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Bản thân Thủ tướng Cameron cũng thừa nhận nước Anh "mạnh hơn dưới cái nhìn của Washington, của Bắc Kinh hay của New Delhi" nhờ nước này là "một nhân tố hùng mạnh trong EU". Vì thế nếu đi sai nước cờ, Anh sẽ không có lý do nào để trở lại EU một lần nữa. Khi đó, nạn nhân phải trả giá là xứ sở sương mù chứ không phải khối liên minh hùng mạnh này.