Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kéo bất động sản về giá trị thực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào trầm lắng. Dù giá BĐS tiếp tục giảm, song vẫn ở mức cao, kể cả các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Vẫn trong đà giảm giá

Có thể thấy, những căn hộ cả trăm mét vuông từng được giới đầu cơ săn đón, giờ đây ít người ngó ngàng, trong khi những khách hàng có nhu cầu thực thì lại không có khả năng thanh toán vì giá quá cao. Các dự án như Indochina Plaza, Times City, Madarin Garden... của nhiều doanh nghiệp có "thương hiệu" cũng rơi vào cảnh giao dịch ảm đạm.  

Lãnh đạo một sàn giao dịch BĐS trên đường Nguyễn Phong Sắc cho hay, sàn giao dịch này chào bán 10 suất biệt thự của khách hàng, với giá chênh có 5 triệu đồng/m2 so với giá của chủ đầu tư (trước đây mức chênh gấp đôi 10 triệu đồng/m2), nhưng vẫn chưa ai hỏi mua.

Tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, thị trường BĐS đang trầm lắng. Nhưng cái cần quan tâm hơn cả là nguồn cung - cầu sản phẩm. Thực tế, có những loại nhà lại quá nhiều nhưng chưa phù hợp khả năng thanh toán của người dân, có những loại nhà lại thiếu. Bộ Xây dựng sẽ cùng các bộ, các địa phuơng như Hà Nội, TP. HCM rà soát, đánh giá lại nhu cầu nhà ở, căn cứ vào qui hoạch từng giai đoạn xem qui mô dân số, nhu cầu về số lượng nhà ở bao nhiêu là vừa, bao nhiêu quĩ đất và dự án để can thiệp, điều tiết, cân bằng cung cầu về nhà ở.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Cái gì cũng phải cần trở về giá thị thực của nó. Sự trầm lắng của thị trường BĐS hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân là mức giá không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và thực tế phát triển kinh tế. Tình hình này sẽ dẫn tới cầu giảm xuống, cung cũng phải giảm theo, từ đó sẽ giảm giá. Nhưng đầu tư như hiện nay, các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra, đó cũng là sản phẩm, là tài sản của xã hội, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, để nó phát triển ổn định. Nên cũng cần có giải pháp nhưng đảm bảo hài hòa lợi ích: Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, người tiêu dùng.

Khó khăn nhất là người có nhu cầu thực

GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay, hiện ở Việt Nam, tỉ lệ giữa giá cả nhà ở với thu nhập trung bình đang ở mức 25 lần. Trong đó ở các nước phát triển, tỉ lệ này là từ 2  - 5 lần. Vì vậy, cơ quan quản lý phải coi việc thị trường sụt giảm về giá và giao dịch là dịp tốt để thị trường BĐS tự cơ cấu lại cấu trúc, loại bỏ những nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, năng lực kinh doanh để thị trường ổn định và minh bạch hơn.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, cứ để cho thị trường tuột dốc như hiện nay là một điều tốt. Trong bối cảnh lạm phát và  lãi suất tăng cao như hiện nay, những người gặp khó khăn nhất không phải là các doanh nghiệp BĐS hay giới đầu cơ, mà chính là khách hàng.

Ngay như dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp Sài Đồng (Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng số 3 (Handico 3) làm chủ đầu tư, đã có khoảng 5% số người được quyền mua nhà (trên tổng số 420 căn hộ) phải bỏ cuộc giữa chừng, khi chủ đầu tư đưa ra giá bán trên 13 triệu đồng/m2. Đây cũng là trường hợp tại dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng xác nhận, việc giá nhà ở cho người có thu nhập thấp đến 13 - 14 triệu đồng mỗi mét vuông là quá cao so với thu nhập.

Trước thực trạng trên và để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có nhu cầu cải thiện chỗ ở, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhằm kéo BĐS về giá trị thực. Có vậy, mới giải quyết gốc rễ vấn đề "an cư, lạc nghiệp" cho đại đa số tầng lớp người lao động. Phát triển nhà ở xã hội là một hướng đi đúng, nhưng đồng thời với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nên hình thành vài quĩ về BĐS. Trong đó, Quĩ Tiết kiệm nhà ở đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân rất quan tâm. Quĩ này đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2011. Nếu được chấp thuận, quĩ sẽ chính thức hoạt động vào đầu năm 2020.
 
Thị trường BĐS còn tiếp tục mất giá cho tới cuối năm và sẽ phục hồi vào đầu năm 2012. Hoàn cảnh này không thuận lợi cho nhà đầu tư, vì họ không đạt được siêu lợi nhuận. Nếu có tiền mặt, giữ được dài hơi thì có thể đầu tư vào BĐS. Còn nếu đi vay ngân hàng để đầu tư thì cực kì rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn chưa thể sớm lạc quan. 

                                                                                             GS.TSKH Đặng Hùng Võ 

                                                                                         Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.