Lần đầu tiên, Việt Nam được thế giới công nhận sở hữu một di sản văn hóa phi vật thể liên quốc gia đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một.
Ẩn chứa tầng sâu văn hóa Đông Á
Kéo co là di sản, dường như là điều quá xa lạ với nhiều người Việt Nam. Bởi vì từ trước đến nay, kéo co chỉ được nhìn ở góc độ như một môn thể thao cộng đồng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia: “Kéo co truyền thống khác trò chơi kéo co thông thường, kéo co thể thao. Kéo co truyền thống thể hiện tầng sâu của văn hóa phi vật thể, niềm hy vọng cho tương lai của làng xóm láng giềng". Ông Ngô Quang Khải - Trưởng Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội), nơi hàng năm diễn ra nghi lễ kéo co ngồi cho biết: “Không đơn giản như kéo co thể thao mà mọi người lầm tưởng, nghi thức kéo co truyền thống đòi hỏi nhiều yếu tố chặt chẽ từ việc chọn người, thực hành các nghi thức tâm linh. Tại Long Biên, nghi lễ xuất phát từ tích làng Ngọc Trì hạn hán, 12 giếng cạn hết chỉ còn một giếng còn nước, sợ người xóm khác lấy nước nên người xóm có nước ngồi xuống ôm thùng nước. Sau này trở thành tích kéo co ngồi để trình diễn, cầu mong mưa thuận gió hòa”. Ở Việt Nam, kéo co truyền thống còn được ghi dấu ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).
Không chỉ ở Việt Nam mà kéo co truyền thống tồn tại ở nhiều nước như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines… “Trong quá trình tìm hiểu, xây dựng hồ sơ di sản, khi các nhà nghiên cứu của các quốc gia ngồi lại với nhau, xem các nghi lễ kéo co, chúng tôi giật mình về nền tảng của văn hóa Đông Nam Á hàm chứa trong di sản” – ông Huy cho biết. Nếu ở Việt Nam, nghi lễ kéo co diễn ra tại không gian đình, đền thì ở Hàn Quốc lại tổ chức sinh hoạt di sản này rất hoành tráng và công phu. Ngược lại, nghi lễ kéo co của Philippines chủ yếu thực hành dưới nước.
Bảo tồn di sản trước “cơn lốc” đô thị
Trên thực tế, không gian trình diễn của nghi thức kéo co truyền thống đã từng bị mất đi. Nhu cầu sử dụng quỹ đất cho các công trình công cộng, nhà ở của các khu đô thị khiến cho bãi đất chỉ để kéo co vào ngày hội bị coi là lãng phí. Tại Long Biên (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc)…, nhiều dự án đã từng ngấp nghé lấn chiếm mấy không gian thực hành của di sản. Tuy nhiên, sau một thời gian cộng đồng đấu tranh, không gian di sản đã được giữ lại. Hiện nay, Long Biên dành diện tích đất trước cửa đền Trấn Vũ để các Mạn biểu diễn kéo co ngồi trong ngày hội. Ở Hương Canh, địa điểm kéo co được cố định ở bãi đất song song với cầu Treo, bên Quốc lộ 2.
Có thể nói, so với nhiều di sản cần bảo vệ khẩn cấp khác, di sản kéo co may mắn vì sớm được ghi vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia, và giờ đây được thế giới vinh danh. Ông Huy cho rằng, khó để cân đo đong đếm được giá trị của di sản nào nặng hơn di sản nào. Điều quan trọng của bảo vệ di sản là cơ hội, nếu bỏ qua các cơ hội thì di sản văn hóa phi vật thể khó được phục hồi. Cơ hội dành cho kéo co chính là lời đề nghị xây dựng hồ sơ đa quốc gia từ phía Hàn Quốc. Khác với các di sản khác, cho dù kéo co có được là di sản quốc gia, di sản thế giới, PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn mong muốn thực hành di sản ở mức độ phường xã, theo đúng nguyên bản. “Di sản văn hóa phi vật thể này không nên nhân rộng. Nếu nhân rộng sẽ mất tính linh thiêng. Nếu chúng ta biến di sản thực hành trong lễ hội lớn, hô hào số đông tham dự thì di sản sẽ biến chất” - ông Huy nhấn mạnh.
Nghi lễ kéo co ngồi tại Hội đền Trấn Vũ (Long Biên) năm 2015. Ảnh: Linh Anh
|