Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương: Hình thành những chuỗi cung ứng bền vững

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động giao thương hàng hóa không chỉ tạo cơ hội cho các DN, HTX mà đang từng bước trở thành cầu nối kinh tế quan trọng giữa Hà Nội và các tỉnh, TP.

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị giao thương kết nối cung cầu năm 2017, do UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 3/11 với sự góp mặt của lãnh đạo 50 tỉnh, TP và gần 400 DN. Tham dự còn có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.
Cơ hội lớn cho người tiêu dùng và DN

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Đặc biệt sức tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018 dự báo sẽ tăng từ 5 - 20%, trong khi DN của TP chỉ có thể đáp ứng được từ 30 - 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu giữ với các tỉnh, thành trên cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm. Ảnh: Phạm Hùng

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La... tổ chức các Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền, qua đó hỗ trợ DN giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhiều hội nghị giao thương trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội năm 2017 cũng được tổ chức, qua đó 27 nhà phân phối, siêu thị Hà Nội đã kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ với 80 DN sản xuất của 25 tỉnh, TP trong hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động này không chỉ bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội mà còn góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa TP Hà Nội với tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời HPA và DN bán lẻ Hà Nội đã hỗ trợ DN các tỉnh cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho 250 dòng sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống siêu thị. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại HPA còn tạo cơ hội cho DN các tỉnh giới thiệu sản phẩm lợi thế vào hệ thống phân phối nước ngoài như: Hệ thống Aeon (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Coop, Conad (Italia)…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá, thông qua các chương trình liên kết nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt phần nào khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.

Để kết nối cung - cầu hiệu quả hơn

Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội.

Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều DN của Hà Nội phản ánh: Trong quá trình kết nối tìm nguồn hàng, DN thường gặp không ít khó khăn khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh có ít DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn nêu rõ: Hiện hầu hết các hộ nông dân, HTX sản xuất nông sản hàng hóa vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng và khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển, phương thức thanh toán... Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các DN chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
 Lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy giao thương giữa các đơn vị. Ảnh: Phạm Hùng
Để công tác liên kết, kết nối cung cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, các DN kiến nghị các cấp chính quyền cần song hành với DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, UBND TP và các tỉnh cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị: Các tỉnh, TP chủ động đề xuất, phối hợp với Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương; chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa đảm bảo ATVSTP. Tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do TP tổ chức để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội cũng như các hệ thống phân phối nước ngoài như Nhật Bản (AEON), Hàn Quốc (Lotte), Thái Lan (BigC)…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp với các tỉnh, TP trong việc thực hiện các chương trình liên kết vùng, miền nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế với các địa phương. Hỗ trợ DN sản xuất hàng hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà sản xuất, kênh phân phối.

Agribank đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các DN thuộc một số ngành, lĩnh vực đặc thù. Đồng thời tháo gỡ, giảm thủ tục hành chính hỗ trợ DN tăng khả năng tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, đầu tư đổi mới công nghệ.

Agribank cũng mong muốn cùng DN tập huấn về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, triển khai bảo hiểm trong nông nghiệp đảm bảo an toàn vốn.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng
Với vai trò là một trong những trung tâm thương mại lớn của cả nước, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các địa phương không chỉ tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với việc thương mại điện tử đang ngày một phát triển, đòi hỏi Hà Nội cần xây dựng, vận hành mạng giao giao thương hiện đại nhằm tận dụng các lợi thế cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các tỉnh, TP khác trong tiêu thụ sản phẩm của địa phương mình.
Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc
Sau gần 2 năm hợp tác, đã có nhiều sản phẩm của Bắc Giang được tiêu thụ ở Hà Nội như Gà đồi Yên Thế, Vải Lục Ngạn… Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng tiêu thụ nhiều sản phẩm của Hà Nội như đồ điện tử, sản phẩm đồ gỗ,… Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang mong muốn UBND TP Hà Nội tiếp tục có các chương trình kết nối giao thương giúp các DN, nhà sản xuất có cơ hội gặp gỡ, ký kết giao thương. Bắc Giang cũng cam kết tạo mọi điều kiện cho DN Hà Nội và các tỉnh, TP đến đầu tư tại Bắc Giang, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái