Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng: Cách tiếp cận thiết thực

Bài, ảnh: Linh Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dân số gần 10 triệu người và hàng năm đón nhận trên 20 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội đang là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm (NSTP) lớn nhất cả nước.

Hiện Hà Nội mỗi năm mới tự cung ứng được 1.000 tấn thịt lợn, bằng 70% nhu cầu, cá các loại 700 tấn (32%) và 2.500 tấn rau củ… Chính vì nguồn cung tại chỗ không đủ nên Hà Nội đã phải bổ sung một lượng lớn NSTP từ các tỉnh. Đây là một thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát chất lượng và tình hình tiêu thụ NSTP an toàn đối với các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.
Để giúp người tiêu dùng tiếp cận, nắm bắt được thông tin về địa chỉ NSTP sạch, bổ sung kiến thức về nhận diện NSTP an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, mới đây, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội ( HPA) đã tổ chức Hội thảo “Kết nối giữa người sản xuất, DN phân phối và người tiêu dùng”. Khác với các lần trước đó, lần này, đối tượng tham gia Hội thảo, ngoài các nhà sản xuất và DN phân phối, HPA đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân tổ chức mời các thành viên của Hội là những người nội trợ trực tiếp tham gia. Ông Nguyễn Bá Bằng - Trưởng phòng Xúc tiến nông nghiệp của HPA cho biết: Hội thảo lần này thực chất là một buổi giao lưu, tìm hiểu, học hỏi giúp người tiêu dùng có được thông tin về địa chỉ bán NSTP an toàn trên địa bàn TP nói chung và quận Thanh Xuân nói riêng. Thông qua đây, người sản xuất và nhà phân phối cùng chia sẻ những kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn.

Bà Dư Thị Mai Lâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Khương Trung cho biết, bên cạnh các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, trên địa bàn phường có rất nhiều chợ truyền thống và chợ cóc. Hàng hóa tại các chợ rất đa dạng nhưng không rõ xuất xứ từ đâu, chất lượng. Không thể biết được hàng mình mua có sạch hay không.

Tại Hội thảo lần này, người tiêu dùng được các DN sản xuất và phân phối chia sẻ kinh nghiệm nhận diện NSTP an toàn. Đại diện Công ty Thực phẩm RevoFood- một DN trong ngành chăn nuôi và kinh doanh thịt lơn lớn nhất nhì của tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Bằng mắt thường, khó có thể phân biệt được đâu là thịt lợn sạch, đâu là thịt lợn bẩn. Phần nổi để nhận biết là màu sắc và mùi vị. Tuy nhiên khi thịt đã ôi, nếu bị ngâm tẩm hóa chất, miếng thịt lại tươi trông rất bắt mắt và không hề có mùi. Chỉ đến khi chế biến mới biết được. Công ty hiện đang nuôi hơn 2.000 con lợn với quy trình kiểm duyệt rất khắt khe, từ con giống đến đầu vào của thức ăn. Hiện, Công ty đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học vào chăn nuôi, giúp lợn khỏe mạnh, thịt đầy đủ dinh dưỡng và thơm ngon; các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò, chả, xúc xích các loại… cam kết không sử dụng chất cấm, hàn the, mỳ chính, chất bảo quản (nitrat, nitrit, benzoat…). Thị trường tiêu thụ của RevoFood hiện nay chủ yếu là Hà Nội, cung cấp cho một số siêu thị lớn, hệ thống trường học và một số khu công nghiệp…

Công ty thủy sản Lenger Việt Nam ở cụm công nghiệp An Xá, Nam Định chuyên kinh doanh nghêu sạch theo công nghệ của Hà Lan. Đại diện công ty cho biết, nghêu tươi sống được làm sạch trong nước biển sạch, chảy liên tục trên dây chuyền công nghệ làm sạch tiên tiến, bao gồm xử lý làm sạch nước, làm sạch khuẩn. Theo bà Dư Thị Mai Lâm, nghêu rất được bà con ưa chuộng vì không béo, dễ ăn. Tuy giá nghêu sạch có hơi đắt so với ngoài chợ nhưng rất yên tâm vì chất lượng bảo đảm. Thay mặt cho Hội phụ nữ phường, bà Lâm mong muốn nên thường xuyên mở các cuộc hội chợ giới thiệu và cách nhận biết NSTP an toàn cho bà con các địa phương.

Theo ông Nguyễn Bá Bằng, nhu cầu tìm đến NSTP an toàn là rất lớn, nhưng làm thế nào để sản phẩm được gọi là “sạch” ấy không còn là thứ “xa xỉ” và có mặt ở mọi nơi trên Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng sống là điều mà HPA luôn đau đáu hướng tới, với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất, DN phân phối và người tiêu dùng”.