Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối phát triển du lịch Vườn Quốc gia Ba Vì

Tin, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11/2018, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát, trao đổi xây dựng sản phẩm và kết nối phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội năm 2018.

Tham dự đoàn khảo sát có lãnh đạo, cán bộ các phòng chuyên môn thuộc Sở Du lịch Hà Nội, đại diện UBND huyện Ba Vì, đại diện Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì; đại diện các doanh nghiệp lữ hành inbound trên địa bàn TP và một số cơ quan thông tấn báo chí.
 Đoàn khảo sát tại khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat.
Trong chương trình, đoàn đã khảo sát Khu vực hoa Dã Quỳ tại cốt 400; Khu trại hè Pháp, nhà sĩ quan Pháp, câu lạc bộ sĩ quan Pháp tại cốt 600; các sản phẩm, chất lượng dịch vụ tại khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat tại cốt 600; khu Nhà thờ cổ thời Pháp – Cô nhi viện tại cốt 800; Nhà hàng cốt 1.100; Khu nhà tù chính trị thời Pháp tại cốt 1.000; trekking vòng quanh núi Ba Vì, khám phá quần thể Bách xanh cổ thụ - Đỉnh Tiểu Đồng.
Ông Đỗ Thanh Hùng – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, hiện du lịch Vườn Quốc gia Ba Vì có 12 tuyến theo các loại hình du lịch.
Cụ thể: Du lịch tâm linh có 5 tuyến gồm: Đền Thượng (thờ đức thánh Tản Viên); Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tháp Báo Thiên; Chùa Tản Viên – Đền Trung; Chùa Kho; Động Ngọc Hoa.
Du lịch khám phá những phế tích thời Pháp có 3 tuyến gồm: Khu trại hè thời Pháp; Nhà thờ cổ thời Pháp – Cô nhi viện; Khu nhà tù chính trị thời Pháp.
 Đoàn khảo sát nghe thông tin về nhà sĩ quan Pháp tại cốt 600.
Du lịch khám phá thiên nhiên có 4 tuyến gồm: Vườn thực vật; Suối tắm tự nhiên; Vách đá trắng – Hang gấu; Quần thể Bách xanh cổ thụ – Đỉnh Tiểu đồng.
Vườn quốc gia Ba Vì là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn du khách và các nhà khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ. Những cánh rừng đại ngàn mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, đan xen trong đó là các cánh rừng ẩm xanh tươi và rừng bụi với nhiều loại cây gỗ quý. Lẫn quất trong bạt ngàn cây xanh là những sinh vật vừa thân quen vừa mới mẽ.
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những huyền thoại linh thiêng về thánh thần, mà Ba Vì còn tồn tại một "kho" kiến trúc cổ thời Pháp bị vùi lấp trong cỏ cây, hoa lá, rêu phong.
Mặc dù bị chiến tranh tàn phá và trải qua một thời gian dài bị lãng quên, nhưng đến nay khu Trại cô nhi viện vẫn tồn tại ẩn hiện trong đại ngàn rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Ba Vì nhưng chỉ dưới dạng là “phế tích”, những hạng mục công trình như Nhà Thờ, Trạm xá, doanh trại…vẫn còn đó, để lộ rõ về một công trình đồ sộ có quy mô bề thế với lối kiến trúc cổ kính thời Pháp.
 Đoàn khảo sát tìm hiểu cối xay đá thời Pháp.
Vườn quốc gia Ba Vì nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đầu thế kỉ 20, Ba Vì đã là địa danh nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ. Vườn quốc gia này nằm trong dãy núi cao chạy dọc theo hướng đông bắc-tây nam với đỉnh Tản Viên cao 1.296 m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m.
Hiện tại, có tới trên 1.000 loài thực vật, trong số đó có khoảng 200 loài cây dược liệu, nhiều loài quý như bách xanh, thông, dẻ, lát hoa có mặt ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Về động vật, có 45 loài thú, 115 loài chim, 61 loài bò sát và 27 loài ếch nhái, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi trắng, khỉ, báo, gấu, sóc bay…
Năm 1991, Ba Vì được công nhận là Vườn quốc gia Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh đoàn khảo sát được phóng viên báo Kinh tế và Đô thị ghi lại: