Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trong chuyến kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh Duyên hải miền Trung vừa diễn ra.
Hà Nội - thị trường lớn
Hà Nội là một trong những trung tâm phát luồng hàng hóa tới các tỉnh phía Bắc, đây là cơ hội cho các tỉnh Duyên hải miền Trung tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng hoa quả tươi. Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện hệ thống Siêu thị Fivimart tiêu thụ khoảng 102 tấn/tháng, Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt khoảng 12 tấn/tháng; Siêu thị Hapro 4,5 tấn/tháng; Co.opmart 30 tấn/tháng; Ocean mart 100 tấn/tháng; Big C là khoảng 120 tấn/tháng, trong đó hoa quả nội địa là 90 tấn/tháng... Riêng mặt hàng quả thanh long chủ yếu được tiêu thụ tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên và chợ đầu mối phía Nam với số lượng lên đến gần 150 tấn/ngày. Đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên cho biết: Lượng thanh long được tiêu thụ mạnh tại chợ đầu mối là bởi đây là địa điểm phát luồng hàng tiêu thụ chủ yếu tới các chợ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, một số tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Không chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, mặt hàng này còn được các Siêu thị Intimex, Ocean mart, Co.opmart, Big C... thu mua với số lượng trên 100 tấn/tháng.
Hà Nội không chỉ là thị trường lớn trong tiêu thụ hàng nông sản mà còn có nhu cầu cao với các mặt hàng thủy sản. Để đáp ứng việc tiêu thụ hàng thủy sản, thời gian qua các doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội không chỉ đẩy mạnh thu mua tại các tỉnh ven biển phía Bắc mà còn "khai thác" tại các tỉnh phía Nam, một số mặt hàng được thu mua từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận như mực một nắng, tôm, cá mú, cà bò…
Liên kết - quảng bá để tăng sức mua
Mặc dù là thị trường tiêu thụ, phát luồng hàng hóa lớn khu vực phía Bắc, là cơ hội cho ngành công thương các tỉnh Duyên hải miền Trung mở rộng thị trường nhưng trong thời gian qua, hoạt động liên kết, quảng bá sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh trên chưa được chú trọng. Ông Đỗ Minh Kính - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: Hầu hết mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của tỉnh như thanh long, nho đều chỉ tập trung cho xuất khẩu. Điều đó dẫn đến việc sản lượng cung ứng cho thị trường nội địa chưa nhiều, giá bán không ổn định. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa nhà sản xuất với DN phân phối còn buông lỏng nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Còn theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Mặc dù các tỉnh Duyên hải miền Trung có nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân Thủ đô nhưng do chưa chú trọng hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm nên lượng tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh này tại thị trường Hà Nội chưa cao.
Nhằm tạo điều kiện cho DN các tỉnh Duyên hải miền Trung tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội và các DN quản lý hệ thống bán lẻ hiện đại, ban quản lý các chợ đầu mối… tăng cường giúp các đơn vị sản xuất hàng nông hải sản của các tỉnh Duyên hải miền Trung đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của Hà Nội tiêu thụ. Đặc biệt, chú trọng việc tổ chức xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thanh long, nho, sản phẩm thủy sản... Tuy nhiên, một số DN bán lẻ Hà Nội cũng đề nghị, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống siêu thị, các DN Duyên hải miền Trung cần nắm chắc quy chuẩn hàng hóa, xây dựng kế hoạch cung ứng cụ thể trong từng thời điểm mùa vụ. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, kinh doanh cần chú ý đến mẫu mã sản phẩm đặc biệt là những đặc sản của vùng như quả thanh long Bình Thuận, nho Ninh Thuận... dán nhãn sản phẩm cho những mặt hàng này, qua đó giúp người tiêu dùng phân biệt nguồn gốc sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn cả, các DN cần tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, hoạt động này sẽ góp phần mở rộng thị trường, tăng sức mua trên thị trường.
Hội nghị bàn cách tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh Duyên hải miền Trung tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
|