Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ: Hội nghị được tổ chức với mong muốn kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thực hiện liên kết vùng của các cơ quan quản lý các địa phương tới các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; thực hiện tổ chức kết nói cung - cầu, kết nối các nhà sản xuất và các đơn vị phân phối, kinh doanh sản phẩm đặc trung vùng miền, sản phẩm OCOP với các điểm bán, phân phối sản phẩm vùng miền tại các tỉnh phía Bắc.
“Thông qua hội nghị, Bộ Công Thương cũng mong muốn quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng lợi thế của địa phương” - bà Lê Việt Nga nói.
Sau một thời gian triển khai, chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng đặc trưng của địa phương. Đến nay đã có 3.126 doanh nghiệp sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn.
Nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao đã được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài, qua đó gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nâng cao thương hiệu vùng miền.
Tại hội nghị, các hợp tác xã đã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các chuyên gia cũng tư vấn cho các DN, hộ sản xuất về kinh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu cho các đặc sản của địa phương; Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Trong khuôn khổ của hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị bán lể khu vực phía Bắc qua đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước hướng tới thị trường nước ngoài.