Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố Hà Nội tuần thứ 11 (từ ngày 11-17/3/2019)

D. Tùng - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng UBND Thành phố cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành của UBND Thành phố trong tuần 11 năm 2019.

Quý I/2019, ban hành 05 Quyết định công bố 191 thủ tục hành chính bị bãi bỏ, hết hiệu lực thi hành
UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2019 của thành phố Hà Nội. Một số kết quả nổi bật như sau: Thực hiện tốt công tác chuẩn hóa TTHC, kiểm soát việc công bố TTHC. Trong quý I/2019, Thành phố đã ban hành 05 Quyết định công bố (Trong đó: có 191 TTHC bị bãi bỏ, hết hiệu lực thi hành và công bố danh mục 149 TTHC theo quy định của Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 của Chính phủ). Thông qua Phương án đơn giản hóa năm 2018 đối với 71 TTHC, bao gồm: 19 TTHC lĩnh vực Tư pháp, 03 TTHC lĩnh vực Xây dựng, 10 TTHC lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, 34 TTHC lĩnh vực Công thương, 05 TTHC lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.
 
Thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế, giải quyết cho 84 công chức, viên chức, cán bộ, công chức, lao động hợp đồng. Phê duyệt danh sách và kinh phí về nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ (đợt 1 năm 2019) đối với 12 trường hợp, tổng kinh phí chi trả là 712,190 triệu đồng. Hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chỉ đạo Chính phủ, hiện đang hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố giai đoạn 2016 - 2020”.
Ngày 21/02/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 859/QĐ-UBND về việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý năm 2019. Nội dung, chương trình, tài liệu, phương thức đào tạo, bồi dưỡng của thành phố Hà Nội được Bộ Nội vụ đánh giá cao và đưa vào khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chung cho toàn quốc. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Đến nay toàn thành phố đã có 1.031 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% TTHC của Thành phố được triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, 893 DVCTT mức 3 và 138 DVCTT mức 4; bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và thành phố triển khai trên Cổng Dịch vụ công dùng chung. Thành phố phấn đấu đưa vào hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4. 
Về cải cách tài chính công, đã ban hành Kế hoạch nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021, quy định: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì nhà nước bảo đảm kinh phí, đối với các dịch vụ cơ bản thì nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu; đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy...
Phấn đấu đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Ngày 11/3/2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch số 63/KH-UBND về việc triển khai Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 01/11/2018 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, yêu cầu các sở, ngành đơn vị tập trung thực hiện 9 các hoạt động trọng tâm về cải cách tiền lương; phấn đấu: (1) Đến năm 2021 áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố quản lý; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp của Thành phố và từng bước có sự gia tăng phù hợp với nguồn lực tài chính của Thành phố gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với khối các doanh nghiệp: Từ năm 2019 đến năm 2020 rà soát, đánh giá địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của cá nhân và gia đình người lao động. Quản lý lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ. (2) Đến năm 2025: thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Thành phố; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Từ năm 2021, các doanh nghiệp thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động đảm bảo áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025. (3) Đến năm 2030: Thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Thành phố; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.
Triển khai đầu tư 11 dự án hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng đồng bộ trên 95 tuyến phố địa bàn 7 quận nội thành 
Ngày 12/3/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1139/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng đồng bộ trên các tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành thành phố Hà Nội. Theo đó, 95 tuyến phố thuộc 7 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai sẽ được thực hiện hạ ngầm, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng công cộng, với quy mô đầu tư dự kiến gồm: Hạ ngầm đường dây, cáp chiếu sáng bằng cáp ngầm mới; thay thế cột đèn bê tông ly tâm hiện có, bổ sung các cột thép chiếu sáng mới tại những vị trí còn thiếu; tận dụng các chóa đèn hiện có, bổ sung các chóa đèn mới với những vị trí còn thiếu. Dự án được đầu tư nhằm giúp người dân đi lại vào ban đêm thuận lợi, an toàn, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị, góp phần giữ vững an ninh trật tự, giảm hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư về đêm. Thời gian thực hiện: Năm 2019 - 2020.
Giao Sở Xây dựng lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đảm bảo chính xác, tiết kiệm, tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và UBND Thành phố về quản lý đầu tư xây dựng. Lập, trình phê duyệt từng dự án theo tiến độ thi công đảm bảo đồng bộ với việc hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, viễn thông, cáp truyền hình. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án phải liên hệ với các sở, ngành, UBND các quận có dự án triển khai để phối hợp thực hiện thỏa thuận chuyên ngành theo quy định và đảm bảo đồng bộ, tránh trùng lặp khối lượng khi triển khai dự án đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật, phát huy hiệu quả trong đầu tư xây dựng công trình.
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 14/3/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn thành phố Hà Nội, yêu cầu các sở, ngành đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP. (2) Chú trọng tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp về: Đặc điểm thị trường các nước trong CPTPP; cơ hội và thách thức khi thực hiện Hiệp định CPTPP; đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ; nông, lâm, ngư nghiệp; lao động, môi trường và các cam kết cụ thể khác trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả. (3) Xây dựng các tài liệu tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin thị  trường. (4) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP trong công tác xây dựng pháp luật. (5) Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. (6). Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. (7) Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 
Yêu cầu công bố lại chính xác số điện thoại Đường dây nóng và duy trì trực 24/24h để tiếp nhận thông tin về bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 1011/UBND-KT ngày 13/3/2019 chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các địa phương đang có ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tập trung chỉ đạo, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu việc điều chỉnh mức hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy lợn khi bị bệnh, lợn chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 25/3/2019.
Giám đốc Sở NN&PTNT tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch; phổ biến thông tin; đồng thời công bố lại chính xác số điện thoại Đường dây nóng “024 33800115” thông tin kịp thời đến các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí (báo Bảo vệ Pháp luật) và người dân theo quy định. Duy trì trực đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận, xử lý thông tin, tổng hợp, báo cáo về tình hình dịch bệnh.
Đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Ngày 13/3/2019, UBND Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch số 64/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 - 2020, bao gồm các nội dung sau:
(1) Triển khai 3 hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính: (a) Tập trung vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Người khuyết tật thế giới (03/12) và theo nhu cầu của một số tổ chức của người khuyết tật trên địa bàn. (b) Tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho người khuyết tật. (c) Cung cấp Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật có những nội dung về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính cho các cơ quan tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Hội người khuyết tật, Hội người mù, Hội bảo trợ cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật; Cung cấp các phương tiện như: Băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB… có chứa những thông tin về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. (2) Khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật: Mỗi năm thực hiện khảo sát từ 1.500 đến 2.000 người khuyết tật ở các khu vực và địa bàn dân cư khác nhau. (3) Triển khai 02 hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính: (a) Cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. (b) Hàng năm tổ chức từ 90 đến 100 cuộc tư vấn pháp luật tại các Hội người khuyết tật, Hội người mù, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật. Chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. (4) Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. (5) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp trên.
Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện, đề xuất các biện pháp, giải pháp trợ giúp pháp lý có hiệu quả cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính của Thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đề nghị cơ quan báo chí Hà Nội, các báo Trung ương có Chương trình phối hợp công tác với Thành phố, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự,... tuyên truyền về Luật Người khuyết tật, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngày 3/5/2019, phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hà Nội năm 2019
Lấy chủ đề “tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” và mục tiêu “nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động; thúc đẩy các DN, cơ sở lao động triển khai các chương trình hành động cụ thể để cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13/3/2019 chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hà Nội năm 2019.
Thời gian: Vào 8h00 ngày 3/5/2019 tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Đề nghị các cơ quan báo chí của Thành phố đẩy mạnh xây dựng các chuyên đề, bài viết thông tin sâu rộng về công tác ATVSLĐ góp phần làm chuyển biến về nhận thức và hành động của doanh nghiệp và mọi người đối với công tác ATVSLĐ trên địa bàn; tham gia các hoạt động của Ban tổ chức và cử phóng viên tham gia các đoàn kiểm tra ATVSLĐ của Thành phố.
Phê duyệt các Quyết định: Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; thành lập Ban chỉ đạo Thành phố tổ chức kỳ thi Toán học mở rộng năm 2019 (HOMC 2019) tại thành phố Hà Nội; khen thưởng cho các học sinh có thành tích trong kỳ thi vô địch các đội tuyển Toán quốc tế (WMTC) lần thứ 9 năm 2018 cho 35 học sinh; khen thưởng thành tích đột xuất cho 12 cán bộ, giáo viên và 31 học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi quốc tế năm học 2017-2018; giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019.
Phân công chỉ đạo nghiên cứu các chuyên đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chỉ đạo chuẩn bị các nội dung báo cáo tại kỳ họp bất thường UBND Thành phố năm 2019.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân KH vốn đầu tư công năm 2018.
Tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi, sốt xuất huyết; thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần