Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống người dân… ngành nông nghiệp vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Ngay từ tháng 6/2013, khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn việc triển khai Đề án tổng thể tới tất cả các đơn vị thuộc Bộ và 63 Sở NN&PTNT trên toàn quốc. Tính đến tháng 5/2014, đã có 23/63 tỉnh, TP ban hành Đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện.
Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, về trồng trọt, các địa phương đã chuyển đổi trên 87.000ha lúa sang trồng cây rau màu, ngũ cốc… 18 chương trình, dự án quan trọng khác liên quan tới lĩnh vực trồng trọt đang tiếp tục được rà soát. Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều chính sách về chăn nuôi như: Hỗ trợ, phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững giai đoạn 2014 – 2020; xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn 2030… Về lâm nghiệp, Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2017 có 235.000ha rừng sản xuất. Thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT đã tiến hành quy hoạch, hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, lập quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời, tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu tàu cá neo đậu tránh trú bão của các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng chuỗi nông – lâm – thủy sản, muối và vật tư nông nghiệp tiếp tục được tăng cường. Hiện, Bộ NN&PTNT đang thực hiện mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc với việc xây dựng các mô hình điểm tại 10 tỉnh phía Bắc (10 chuỗi), 5 tỉnh miền Trung (5 chuỗi) và 7 tỉnh phía Nam (8 chuỗi), tiến tới nhân rộng mô hình này trên địa bàn cả nước...
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Việc triển khai Đề án còn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm dẫn tới khâu thực hiện còn chậm và lúng túng. Kết quả thể hiện trên thực tiễn chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành và thu nhập của nông dân còn hạn chế. Chính vì vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, toàn ngành cần có sự tập trung và nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện chủ trương lớn này.
Theo kế hoạch, trong hai năm 2014 – 2015, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong thực hiện Đề án. Cụ thể hóa Đề án theo nhóm lĩnh vực thuộc từng chuyên ngành, địa phương. Nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các chính sách vĩ mô, nhất là về tài chính, tín dụng, thương mại, đất đai nhằm tạo thuận lợi cho thực hiện tái cơ cấu. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Phát triển nuôi bò sữa tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Hoạt
|
Mục tiêu của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là: Duy trì ổn định tăng trưởng ngành nông nghiệp, phấn đấu GDP của ngành đạt bình quân từ 2,6 – 3,0%/năm giai đoạn 2011 – 2015; từ 3,5 – 4,0%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tăng mức thu nhập của người nông dân lên gấp 2,5 lần so với năm 2008; phấn đấu số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2050... |