Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kêu gọi đầu tư cao tốc Bắc - Nam: Phải gỡ được "nút thắt" lãi suất

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Chỉ sau hơn 1 tháng ký khoản vay hơn 8.000 tỷ đồng với 4 ngân hàng, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải đối mặt với nguy cơ dừng lại do chênh lệnh lãi suất trả ngân hàng với lãi suất vốn vay do cơ quan nhà nước quy định. Có thể thấy, sự chênh lệch lãi suất này đang là “nút thắt” trong việc kêu gọi đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam của ngành giao thông.

Nguy cơ dừng dự án do không có khả năng hoàn vốn
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến hoàn thành vào năm 2020 do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận làm chủ đầu từ ký hợp đồng tín dụng vay vốn với 4 ngân hàng (Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank) ngày 15/6 vừa qua với khoản vay lên tới 8.126 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, ngày 25/7, chủ đầu tư đã gửi văn bản “cầu cứu” lên cơ quan chức năng do thiếu khả năng hoàn vốn tại dự án Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hiện trần lãi suất vốn vay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định tại Dự án (6,75%/năm) đang thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thực tế mà nhà đầu tư đang đàm phán với 4 nhà tài trợ vốn (10,83%/năm).
“Sự chênh lệch lãi suất 3,93%/năm này không chỉ khiến dự án không thể hoàn vốn vay, mà nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chi phí sử dụng vốn vay với tổng giá trị có thể lên đến 3.639 tỷ đồng”, ông Dũng nói.
Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng quyết định, nhà đầu tư cho biết là sẽ tiếp tục triển khai dự án bằng nguồn vốn chủ sở hữu (1.542 tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu vấn đề lãi suất nêu trên không được giải quyết sớm, vốn vay tín dụng chậm giải ngân, dự án không thể hoàn thành vào năm 2020.
“Trong trường hợp không được chấp thuận thì nhà đầu tư sẽ phải dừng dự án để tránh thua lỗ lớn”, ông Dũng cho biết.
Thừa nhận thực tế này, ngày 8/8 Bộ GTVT đã có văn bản trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong đó nêu rõ: Mức lãi suất vay các nhà đầu tư ký theo hợp đồng tín dụng của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tháng 7/2018) là 6,83% + 4%/năm (trong đó lãi suất tham chiếu tháng 7/2018 của VietinBank là 6,8%; BIDV là 6,9%; VP Bank là 6,9% và Agribank là 6,7% lấy mức trung bình là 6,83%).
Như vậy, tại thời điểm hiện tại, sẽ có phát sinh chênh lệch lãi suất vốn vay theo hợp đồng tín dụng và lãi suất tối đa được thanh toán trong hợp đồng BOT là khoảng 10,83% - 6,9% = 3,93%/năm mà nhà đầu tư phải tự bỏ ra để thanh toán cho bên vay.
Trong đó, con số 6,9% là mức quy định lãi suất vốn vay tính toán cho nhà đầu tư không vượt quá 1,5 lần bình quân đơn giản lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng dự án PPP theo quy định của Bộ Tài Chính. Tức là, dự án ký hợp đồng vào tháng 7/2018 sẽ có công thức tính lãi suất vốn vay từ kết quả đấu thầu TPCP 10 phiên gần nhất trong 6 tháng năm 2018 là 4,6%/năm x 1,5 = 6,9%/năm.
“Đối với các dự án công tư (PPP), việc phải bù lỗ lãi suất liên tục trong nhiều năm suốt vòng đời dự án sẽ là một gánh nặng lớn đối với nhà đầu tư, việc huy động tài chính cho các dự án PPP sẽ rất khó khả thi, tạo thêm rủi ro tài chính đối với cả bên vay và bên cho vay, giảm tính hấp dẫn về thị trường đầu tư PPP tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn vay thương mại
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, để triển khai kêu gọi đầu tư thành công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 cần tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn vay thương mại đối với dự án đang thực hiện đầu tư.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức PPP để thay thế Thông tư 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 về quản lý tài chính đối với các dự án PPP.
Cụ thể, mức lãi suất vốn vay cho phần vốn vay thương mại không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% của 4 ngân hàng thương mại lớn tại cùng thời điểm xác định là căn cứ để tính toán lãi suất vốn vay trong bước phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu.
“Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Thêm vào đó, theo ông Nhật, khi lãi suất TPCP càng giảm, biên độ chênh lệch lãi suất cho vay và TPCP càng rộng. Do vậy, việc lấy lãi suất TPCP đại diện cho lãi suất thị trường huy động vốn là chưa phù hợp.
Riêng đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho phù hợp thực tế bởi nếu chậm trễ trong việc giải ngân các khoản vay đầu tư, chủ đầu tư sẽ lo ngại mất vốn nếu tiếp tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.
“Trong trường hợp các quy định pháp luật về lãi suất thay đổi, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ký phụ lục hợp đồng cập nhật, điều chỉnh làm cơ sở để triển khai giải ngân phần khối lượng chưa thực hiện của dự án”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 về xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Đến nay, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện trong từng dự án làm cơ sở để Bộ GTVT quyết định thực hiện dự án.
Trong tổng số 654km đầu tư trong giai đoạn 1 có 530km được thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 95.588 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia 37.188 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn tư nhân 58.400 tỷ đồng.