Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kêu gọi doanh nghiệp Việt kiều đầu tư về nước: Khơi thông từ cơ chế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thiết tha được về quê hương để đầu tư sản xuất, tìm kiếm cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp (DN) trong nước, song vì còn nhiều rào cản về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính nên nhiều doanh nhân Việt kiều vẫn chưa thể thực hiện được tâm nguyện của mình.

Muốn lập nghiệp trên quê hương

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cả nước hiện có khoảng 3.500 dự án, DN do kiều bào thành lập hoặc góp vốn với với tổng số vốn đăng kí gần 11 tỉ USD, lượng kiều hối đạt 7 - 8 tỉ USD, tương đương với mức viện trợ ODA của các nước dành cho Việt Nam. Đầu tư của kiều bào về Việt Nam hiện nay trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản và thông tin - truyền thông chiếm đến 90% vốn đầu tư. Nguồn vốn này góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhưng đáng lẽ các con số đầu tư có thể cao hơn nếu như không còn những rào cản đối với các DN Việt kiều.

Ông Nguyễn Trọng Nguyễn, doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ tâm sự, ngay từ năm 1987 khi đất nước vừa mở cửa, ông và nhiều doanh nhân Việt kiều đã hăm hở về quê nhà để đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, số người thành công là rất ít vì họ chưa am hiểu tường tận các qui định luật pháp trong nước, thiếu thông tin về các lĩnh vực kinh doanh, bị phân biệt đối xử, thủ tục hành chính phiền hà cũng không nhỏ…

Chung nỗi niềm với ông Nguyễn, doanh nhân Từ Ngọc Ẩn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Composite Kiên Giang, một Việt kiều ở Australia tâm sự: Mặc dù dự án đầu tư của DN của ông đã được phê duyệt nhưng qua 4 năm vẫn chưa được giao đất để thực hiện. Ông Ẩn cho rằng, ở đây có sự thiếu nhất quán giữa chủ trương và thực hiện khiến DN kẹt ở giữa phải chịu thiệt. Một số DN có dự án đầu tư vào những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhưng chưa được hưởng chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư tại vùng sâu, vùng xa. Thực tế này đôi lúc làm nhiều Việt kiều muốn đầu tư về nước thấy nản lòng, nhưng vì tình cảm gắn bó với quê hương, nhiều Việt kiều vẫn tin tưởng vào sự hoàn thiện của cơ chế, chính sách đối với tất cả các DN.

Cần cơ chế để hút vốn

Theo ông Trần Văn Trường, Việt kiều Mỹ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Trường Khanh chuyên chăn nuôi và sản xuất cá tra xuất khẩu, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước, từ các ngành và chính quyền địa phương cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn còn rất hạn chế và thiếu minh bạch. Đơn cử, DN của ông Trường đã trình phương án kinh doanh tốt, tài sản đảm bảo hơn 3,3 ha đất và hệ thống ao vuông đầu tư hoàn chỉnh, phía ngân hàng cam kết đầu tư đến cả chục tỉ đồng chia làm nhiều giai đoạn. Nhưng sau khi DN triển khai đầu tư mở rộng làm ăn, ngân hàng chỉ giải ngân vài trăm triệu đồng rồi kiên quyết không cho đáo hạn, không cho giãn nợ, khoanh nợ hay các biện pháp tín dụng khác để hỗ trợ DN. Trong khi DN khác tại địa phương không có tài sản thế chấp giá trị lớn, phương án kinh doanh thiếu triển vọng, không đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn… vẫn được ngân hàng cho vay nhiều kì với hạn mức nhiều tỉ đồng. Rõ ràng có có sự phân biệt đối xử giữa DN của Việt kiều và DN trong nước.

Do đó, các doanh nhân Việt kiều mong muốn Nhà nước cần có những cơ chế mềm dẻo đế tạo điều kiện cho các doanh nhân về nước làm ăn kinh doanh, những doanh nhân đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn cần được tiếp cận những ưu đãi từ chính sách "Tam nông" mà Nghị quyết 26 (khóa X) của Đảng đã đề ra. Như vậy mới đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong chính sách pháp luật và tạo ra sự hấp dẫn để thu hút nguồn lực đầu tư từ hàng triệu người Việt trên thế giới dồn về đầu tư và làm giầu cho nước nhà.