Không ngại khó, anh Lợi quyết tâm nghiên cứu, điều chỉnh kỹ thuật sản xuất nấm và công sức của anh đã được đền đáp xứng đáng. Vợ chồng anh đã sản xuất được nhiều giống nấm như linh chi, nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm đầu khỉ, nấm kim châm... Đặc biệt, anh còn ứng dụng lợp mái tôn lạnh để đảm bảo sản xuất ổn định. Chị Nguyễn Thị Linh, vợ anh Lợi cho biết, hiện nay nấm đang được giá, như nấm linh chi có giá 1 triệu đồng/kg, nấm rơm 100.000 đồng/kg, nấm sò 30.000 đồng/kg. Với tổng diện tích trồng nấm hơn 700m2, thu nhập của gia đình anh chị đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp bên sản phẩm nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ảnh: Thiện Quang
Từ thành công của anh Lợi, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Đông La cũng chuyển sang trồng nấm, trong đó tiêu biểu là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, xóm 5. Năm 2007, ông Hiệp đầu tư 70 triệu đồng xây dựng 100m2 lán trại để trồng nấm. Đến nay, diện tích trồng nấm của gia đình ông được mở rộng lên gấp đôi, chủ yếu trồng nấm sò, mỗi ngày cho thu hoạch 10 - 15kg, lúc cao điểm 70 - 100 kg/ngày. "Trồng nấm có hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng khác, với diện tích nhỏ nhưng nhà tôi cũng thu được gần 200 triệu đồng/năm" - ông Hiệp chia sẻ.
Theo Hội Nông dân xã Đông La, trồng nấm là nghề không đòi hỏi đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, lại tận dụng được phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ. Đến nay, toàn xã Đông La có gần 20 hộ trồng nấm, phân bố ở thôn Đông Lao, Đồng Nhân và La Tinh. Ông Dương Kim Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La đánh giá, trồng nấm cho thu nhập bình quân đạt 170 - 180 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 3 lần các cây rau màu khác. Do đó, Hội Nông dân xã đang phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức lên kế hoạch mở lớp dạy nghề trồng nấm cho 33 hội viên nông dân.