Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 phút phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) dành thời gian để nói về vấn đề mà ông cho rằng nhược điểm đã rõ của bộ máy: Tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ quyết liệt, quyết tâm nhưng bộ máy bên dưới thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ.

 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường - (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Hai dẫn chứng được nêu ra là tình trạng buôn lậu, cụ thể là buôn lậu thuốc lá và nạn phá rừng. Để minh chứng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đem đến nghị trường một gói lớn đựng nhiều bao thuốc lá lậu mua được ở An Giang và bày tỏ lo ngại, trong 3 ngày đi thực tế tại đây, ông không hề thấy bóng dáng của lực lượng chống buôn lậu ở điểm nóng này. Với vấn đề rừng, dù Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng ở địa phương, một trạm kiểm lâm mỗi đêm có khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm 300.000 - 400.000 đồng tiền tiêu cực thì số tiền thu bất chính không hề nhỏ. Đại biểu đặt câu hỏi nếu không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại, của kiểm lâm thì không thể có chuyện lâm tặc tàn phá như vậy?

Chuyện "trên nóng dưới lạnh" không phải chỉ ở lĩnh vực thuốc lá, bảo vệ rừng, mà đang diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực. Thực tế, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đều chỉ ra, mặc dù thành tích 9 tháng rất ấn tượng, nhưng nhiệm vụ còn lại của năm 2017 là rất nặng nề. Đó là, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển cao nhưng dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN trong nước còn khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, trong khi tình hình thiên tai, TNGT, cháy nổ… hàng giả, hàng nhái, ATVSTP ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ đặt ra năm 2018 là vừa khắc phục những tồn tại yếu kém của nền kinh tế, vừa phải tiếp tục phát triển trong bối cảnh rất khó khăn. Tiếp tục xây dựng đổi mới thể chế, cơ chế chính sách tạo chuyển biến ở các cấp, ngành là nhiệm vụ quan trọng.

Chính phủ đã có những thông điệp khá rõ, cụ thể. Thủ tướng quyết tâm, quyết liệt làm sao để cả bộ máy không có cơ quan, đơn vị nào đứng ngoài cuộc. Những giải pháp mang tính căn cơ, và lâu dài, tinh thần cải cách của Thủ tướng và Chính phủ phải thấm vào từng nếp nghĩ, từng hành động của mỗi cán bộ, công chức trong hệ thống công quyền.

Một Chính phủ liêm chính, quyết liệt trong hành động đã tạo nên những chuyển biến tích cực tại nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia trong khu vực chỉ vài chục năm trước có xuất phát điểm rất thấp, nhưng đã vươn lên thành quốc gia khá phát triển như Singapore, Malaysia… Những nhược điểm của bộ máy đã được chỉ ra, một Chỉ thị nhằm chống tình trạng “trên thông, dưới tắc” nhằm chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước trong thời gian tới đây là cần thiết. Cùng với những biện pháp tinh giản bộ máy, giúp nâng cao hiệu quả công việc từ người đứng đầu đến các bộ phận chuyên môn, khắc phục tình trạng trên sẽ là những động lực không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.