Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đến nay, nhiều cơ quan đơn vị đã nghiêm túc nhìn nhận và đang tích cực sửa sai...
Nhiều tồn tại
Qua đợt kiểm tra cho thấy, cùng với những đơn vị làm rất tốt các quy định của bộ phận trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), vẫn có không ít nơi chưa chấp hành nghiêm quy định về công khai, minh bạch tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (một cửa), có nơi còn niêm yết danh mục TTHC không còn hiệu lực. Có những nơi chưa công khai danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, có mở sổ nhật ký nhưng không ghi đủ các cột mục, không có chữ ký của công dân khi nhận kết quả... Thậm chí có nơi không nhận hồ sơ và trả kết quả vào tất cả các ngày làm việc. Một số nơi còn không có chìa khóa mở hòm thư góp ý hoặc có thư của công dân nhưng lâu ngày chưa được xem; không công khai đường dây nóng của lãnh đạo…
Đặc biệt, tồn tại đáng chú ý tại nhiều bộ phận địa chính xây dựng cấp xã hay văn phòng đăng ký đất đai tại các quận huyện là quản lý giấy tờ không chuẩn chỉnh, tắc trách trong giải quyết TTHC cho công dân… “Đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân bấy lâu nay” - một thành viên đoàn công tác nhận định.
Không chỉ là “đối phó”...
Thực tế sau 2 tuần từ khi kết thúc kiểm tra, được nhắc nhở và phê bình, đến nay, 100% đơn vị đã cơ bản khắc phục tồn tại, có “hồi âm” cụ thể với đoàn kiểm tra và đang xem xét trách nhiệm cán bộ, công chức (CB, CC) liên quan. Tại bộ phận một cửa (BPMC) UBND quận Hai Bà Trưng, phường Phú Đô, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phúc Thọ…, đến nay đã niêm yết công khai lịch tiếp công dân, chấn chỉnh việc ghi chép sổ sách, kiện toàn chức danh chuyên môn… Một số đơn vị sai sót trong giờ giấc làm việc như UBND phường Ô Chợ Dừa, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội huyện Phúc Thọ cũng đang nghiêm túc chấn chỉnh.
Chỉ một ngày sau khi được kiểm tra (1/3), Chủ tịch UBND phường Quan Hoa đã họp kiểm điểm siết lại công tác nội vụ, yêu cầu mọi CB, CC mặc đồng phục, đeo thẻ, nghiêm túc chấp hành giờ làm việc. Lãnh đạo phường khẳng định, sẽ kiểm tra định kỳ và đột xuất CB, CC thực hiện lề lối làm việc. Riêng với 3 lá thư công dân gửi vào hòm thư góp ý đã lâu nhưng tận khi đoàn kiểm tra đến mới được mở ra xem (như Kinh tế & Đô thị ngày 2/3/2016 đã nêu rõ), ông Đinh Trọng - Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách BPMC cho biết: "Ngay sau ngày kiểm tra, chúng tôi đã mời công dân ra phường trả lời cụ thể. Hiện, chỉ còn việc bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt là chưa giải quyết được ngay, vì mọi phòng ban đều rất chật chội. Phường đã đề xuất được quận phê duyệt dự án xây trụ sở BPMC, với phòng tiếp công dân riêng, sẽ khởi công trong tháng 6/2016 ngay khi kết thúc đợt bầu cử”.
Ngay sau khi Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh nhiều “lỗi” trong thực thi công vụ tại phường Nhân Chính, Chủ tịch UBND phường Hoàng Trung Thành đã nghiêm khắc kiểm điểm từng bộ phận, cá nhân liên quan và tự nhận là người đứng đầu nhưng chưa sát sao đôn đốc cấp dưới. Đến thời điểm này, BPMC đã phân công cụ thể công việc cho từng CB, CC, hàng tuần kiểm tra hòm thư góp ý, sử dụng tối đa hiệu quả thiết bị để giải quyết TTHC tốt nhất…
Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại UBND phường Phú Lãm, hiện, mọi TTHC liên quan BPMC đã được hoàn thiện, cán bộ nghiêm túc lấy chữ ký của công dân và viết phiếu hẹn trả mỗi khi nhận hồ sơ… Về việc bà Nguyễn Thị Đoán qua 4 năm chưa được hướng dẫn cụ thể về đính chính sổ đỏ, dù rất nhiều lần phải đi lại hỏi han (như Kinh tế & Đô thị đề cập ngày 24/2), phường đã nghiêm khắc chấn chỉnh cán bộ thụ lý hồ sơ, Chủ tịch UBND phường trực tiếp xin lỗi và đang hướng dẫn công dân bổ sung thủ tục...
Tạo chuyển biến thực sự
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho biết: Sau hoạt động kiểm tra công vụ đột xuất đầu năm, TP vừa thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Sở Nội vụ, Văn phòng UBND TP, Thanh tra TP, Sở Tư pháp, nhằm quyết liệt tăng cường kiểm tra công vụ thường xuyên và đột xuất theo chỉ đạo của UBND TP. Sau mỗi lần kiểm tra, đoàn đều lập biên bản có ký xác nhận của đơn vị; đề nghị khắc phục thiếu sót và xử lý CB, CC liên quan; tổng hợp báo cáo với TP và có văn bản chính thức gửi từng đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, sau đó quay lại kiểm tra. Rõ ràng, việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất và tái kiểm tra đã tạo chuyển biến mạnh về kỷ cương hành chính. Điều này cũng đòi hỏi mỗi CB, CC nhận thức đầy đủ rằng, việc thực hiện nghiêm lề lối làm việc và có thái độ đúng mực trong giải quyết TTHC cho người dân phải được làm hàng ngày chứ không chỉ là “đối phó” mỗi khi có đoàn kiểm tra.
Bộ phận một cửa UBND phường Phú Lãm, quận Hà Đông.
|