Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách hàng cân nhắc gửi tiết kiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau các "ông lớn" Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, một số ngân hàng TMCP cũng bắt đầu tham gia "cuộc chơi" giảm lãi suất huy động.

Dù tiền gửi tiết kiệm được coi là kênh an toàn và sinh lời tương đối trong bối cảnh hiện nay nhưng nhiều người gửi tiền vẫn cho biết, họ sẽ cân nhắc chọn kênh đầu tư nếu lãi suất huy động hạ quá sâu.

 
Khách hàng cân nhắc gửi tiết kiệm - Ảnh 1
 
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của VietinBank.Ảnh: Trần Việt

Lãi suất huy động giảm sâu dưới mức trần

Ngày 9/5, "tiếp bước" 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng điều chỉnh biểu lãi suất đầu vào. Cụ thể, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tới 11 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hạ từ 9,5%/năm xuống 9%/năm. Dù thuộc nhóm ngân hàng tiên phong hạ lãi suất nhưng biểu lãi của MB vẫn cao hơn nhiều so với Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Tại Vietcombank và BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng chỉ ở mức 6%/năm trong khi Agribank thậm chí giảm xuống 5%/năm.  Đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng, các ngân hàng này áp mức lãi suất 7%/năm và với kỳ hạn trên 12 tháng, BIDV chỉ áp mức lãi suất 8%/năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, tín hiệu giảm lãi suất từ các ngân hàng lớn sẽ tạo ra làn sóng hạ lãi suất lan tỏa tại hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tài chính quốc tế như JPMorgan Chase và ANZ dự báo, với xu hướng giảm của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm 1 - 2% lãi suất trong năm 2013.

Cân nhắc mức hạ trần lãi suất

Đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay, ông Nguyễn Đức Trung, Viện Phó Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, lãi suất tiết kiệm trước đây có thể là 12 - 14%/năm, đây là mức rất cao nhưng chỉ là lãi suất danh nghĩa. Lãi suất thực mà người dân được hưởng phải trừ đi lạm phát trên 10% sẽ không còn cao như vậy. "Lãi suất 7,5% hiện nay vẫn đảm bảo cao hơn khá nhiều so với mức lạm phát dự kiến. Nếu lạm phát năm nay là 6,97% hoặc 6,6% thì lãi suất huy động còn dư địa về 7% một năm và ở mức này thì người gửi tiền có thể chấp nhận được. Còn nếu kịch bản kinh tế xấu hơn và lạm phát là 6% thì lãi suất có thể hạ tiếp" - ông Nguyễn Đức Trung phân tích.

Cũng theo ông Trung, mức lãi suất huy động 7 - 7,5%/năm vẫn là mức chấp nhận được và vẫn có khả năng sinh lời trong bối cảnh hiện tại.

Đón nhận thông tin lãi suất hạ sâu, có ngân hàng xuống mức 5% hoặc 6%, nhiều người gửi tiền lại tỏ ra cân nhắc với kênh tiết kiệm. "Đúng là, chứng khoán, bất động sản vẫn èo uột, vàng thì nhiều rủi ro và tiết kiệm vẫn là kênh an toàn. Nhưng nếu lãi suất quá thấp, tiền gửi sinh lời ít, tiền nằm yên thì chắc tôi sẽ chuyển sang vàng hoặc bất động sản" - chị Nguyễn Hoài Thương (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, lãi suất 7,5 - 10%/năm là mức chấp nhận được, vì thời điểm này khó có thể kinh doanh mặt hàng nào đạt mức lãi như vậy. Nhưng nếu hạ trần lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm thì phải cân nhắc. "Hiện nay, chúng ta đang thỏa mãn vì hệ thống ngân hàng thừa tiền nhưng thực tế, bẫy thanh khoản vẫn rình rập. Nếu vấn đề thanh khoản xảy ra một lần nữa, rủi ro với hệ thống nguy hiểm hơn cả nợ xấu" - ông Hưởng nói.

Theo nhiều chuyên gia, hạ lãi suất xuống quá thấp, có thể sẽ xảy ra nguy cơ tiền sẽ chảy ra khỏi ngân hàng và đổ vào các kênh đầu tư khác. Khi đó, khả năng nhiều ngân hàng lại phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, gây bất ổn cho toàn hệ thống.