Khách du lịch Trung Quốc tại Hội An. Ảnh: Huy Trương |
Riêng trong tháng 7, du khách quốc tế sang Việt Nam ước tính đạt 846.300 lượt, tăng 20,8% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ. Đây là tháng có lượng khách quốc tế đến cao nhất kể từ đầu năm 2016. Tính chung 7 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 5,55 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến từ châu Á đạt 3,97 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Đặc biệt, khách từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 1,5 triệu lượt, tăng hơn 54%. Đây cũng là quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất sang Việt Nam. Hầu hết khách trên các thị trường chính đều tăng như Hàn Quốc 858.000 lượt người, tăng 37%. Nhật Bản 413.300 lượt người, tăng 12,6%; Đài Loan 296.100 lượt người, tăng 15,9%; Malaysia 226.200 nghìn lượt người, tăng 15,7%; Thái Lan 153.600 lượt người, tăng 37,2%; Singapore là 141,6 nghìn lượt người, tăng 11,7%. Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 900.600 lượt người chủ yếu từ Nga, Anh, Pháp, Hà Lan... Trong khi đó, khách đến từ châu Mỹ đạt 450.800 lượt người với thị phần lớn nhất là Mỹ chiếm 344.500 lượt người. Khách đến từ châu Phi có xu hướng giảm. Theo thống kê, năm 2015, du khách Trung Quốc đã tiêu tới 215 tỷ USD khi đi nghỉ ở nước ngoài bất chấp nền kinh tế trong nước suy giảm. Người Trung Quốc cũng được xếp vào nhóm chi tiêu lớn khi đi du lịch. Gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã nhận được nhiều tài liệu gồm ảnh, video về việc nhiều người Trung Quốc làm hướng dẫn viên du lịch chui tại Việt Nam. Ngoài việc hướng dẫn viên người Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ, không dùng tiền Việt Nam khi mua hàng hóa, dẫn khách trên xe hay các điểm du lịch còn có đoạn video ghi cảnh hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tuy xảy ra những vụ việc trên, Tổng cục Du lịch Việt Nam vẫn khẳng định không phân biệt đối xử kỳ thị du khách Trung Quốc. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Hiện, ngành du lịch đang nâng cao năng lực của các hãng lữ hành Việt Nam, nhất là việc đáp ứng số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài, trong đó có thị trường khách Trung Quốc. “Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ linh hoạt như tăng cường thông tin tại các điểm đến, có tờ rơi, thuyết minh viên biết tiếng Trung Quốc và có các phiên dịch người Trung Quốc đi theo để chuyển tải đúng nội dung thông tin. Đặc biệt, các cơ quan chức năng và các địa phương sẽ phối hợp tốt hơn để quản lý chặt chẽ, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc liên quan đến du khách và DN du lịch như vừa qua”, ông Tuấn khẳng định.