Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên người dân không tự giác khai báo với chính quyền địa phương. |
Nuôi gà hàng chục năm nay nhưng bà Nguyễn Thị Ngư ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức chưa từng nghĩ đến việc khai báo chăn nuôi. Bà Ngư cho biết: “Trước đây, thỉnh thoảng có cán bộ thú y xã đến nhà để thống kê đàn vật nuôi chứ tôi chưa bao giờ chủ động đi khai báo bởi gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ”. Tương tự, hộ ông Phạm Văn Tiến, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai nuôi lợn từ 20 năm nay nhưng chỉ đến khi dịch tả châu Phi bùng phát mới kê khai với chính quyền địa phương để được nhận hỗ trợ. “Trước đây, tôi thường nhập con giống qua thương lái nên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nhưng hiện nay phải nhập ở cơ sở uy tín để nếu không may gặp thiên tai, dịch bệnh còn được Nhà nước hỗ trợ theo quy định” – ông Tiến chia sẻ.Là một trong những địa phương chăn nuôi trọng điểm của TP nhưng tới thời điểm này, huyện Ứng Hòa mới có khoảng 30% hộ chăn nuôi kê khai đàn vật nuôi. Trong đó chủ yếu là các DN, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, việc kê khai tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện rất khó khăn, do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn, người dân không tự giác khai báo. Điều này gây khó khăn tới việc định hướng phát triển chăn nuôi của huyện.Theo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, việc thống kê số lượng đàn vật nuôi có ý nghĩa rất quan trọng đối vợi việc quản lý tổng đàn, phòng chống dịch bệnh, cũng như chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người chăn nuôi chủ động khai báo còn rất thấp. Do đó, để Luật Chăn nuôi đi vào đời sống và công tác thống kê đàn vật nuôi mang lại hiệu quả cao, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sát sao vào cuộc để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi.