Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, cùng 90 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII dự khai mạc.
Phát biểu khai giảng lớp học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Học tập là vấn đề rất quan trọng, cần thiết trong cuộc sống và công tác, đặc biệt trong công tác cách mạng. Cha ông ta đã từng nói: "Ăn vóc, học hay;" "Không thày đố mày làm nên;" "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn;" "Phải học ăn, học nói, học gói, học mở"... Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các bậc vĩ nhân, lãnh tụ thiên tài như Lênin, Bác Hồ luôn quan tâm tới việc học tập của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là đối với cán bộ và đảng viên. Lênin từng nói: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng…", "Học, học nữa, học mãi".
Bác Hồ cũng đã nói nhiều đến việc học tập. Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
“Các đồng chí lưu ý học để làm việc trước, học để làm người rồi mới làm cán bộ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, có rất nhiều cái phải học và cũng có nhiều cách để học và phải học tập suốt đời; học ở trường, ở lớp; học trong cuộc sống, học trong công tác; học ở trong nước, ở ngoài nước; học thầy, học bạn; học lẫn nhau; tự nghiên cứu, tự học… Nếu không học thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu sẽ dẫn đến thoái bộ. Bởi thực tiễn luôn vận động, lý luận không ngừng phát triển, đời người là hữu hạn, sự hiểu biết là khôn cùng.
Tổng Bí thư cũng cho biết, trong chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, việc tổ chức hai Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương là thực hiện Quy định 164 của Bộ Chính trị khóa XI về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Lớp thứ nhất dành cho các đồng chí mới lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Lớp thứ hai này dành cho các đồng chí đã tham gia Trung ương từ khóa trước cùng với các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và tương đương nhưng không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa này.
Hình ảnh tại Lễ khai giảng. (Ảnh: HH) |
Vì vậy, lớp học với tinh thần chủ yếu là bổ túc, cập nhật những kiến thức mới, có tính chất gợi mở, định hướng để các đồng chí tự nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho công tác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí học viên nhận rõ trách nhiệm của mình, học tập nghiêm túc, lắng nghe đầy đủ, với tinh thần khiêm tốn, cầu thị; biến quá trình học thành quá trình tự học, tự nghiên cứu, chủ động, tự giác, theo sự gợi mở, định hướng của các báo cáo viên. Các đồng chí cũng cần tìm đọc thêm tài liệu, sách vở với cuộc sống sinh động.
Tại Lễ khai giảng, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Chương trình học tập, bồi dưỡng của lớp học được thực hiện theo hướng hệ thống lại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại; đồng thời cung cấp thêm những kiến thức mới, những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Diễn ra từ ngày 27 - 31/8, các đồng chí học viên sẽ nghiên cứu, trao đổi, thảo luận 9 chuyên đề: Xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ và hành động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới; Công tác tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ xã hội và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự trong tình hình mới; Chiến lược đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới; Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân trong tình hình mới.