Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai giảng năm học mới vào ngày 5/9

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo thông tin về công tác giáo dục và đào tạo 6 tháng đầu năm 2020. Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành đã thông tin một số vấn đề liên quan đến mô hình trường chuyên.

 Ảnh minh họa
Theo đó, từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có Đề án 959 về việc xây dựng trường chuyên, lớp chọn. Dự kiến cuối năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành tổng kết đề án này, qua đó, đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên, làm rõ các nội dung đã làm được cũng như bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, với các trường chuyên, xu hướng sẽ được đầu tư hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên so với các trường THPT nói chung. “Đại đa số học sinh trường chuyên học chương trình bình thường. Chỉ các em học tại các lớp, môn chuyên mới tập trung cho lớp, môn chuyên đó” – ông Thành nói thêm.
Trao đổi về việc gần đây, trên nhiều diễn đàn hay mạng xã hội xuất hiện đề xuất nên tư nhân hóa trường chuyên, ông Thành cho hay, trường chuyên là mô hình, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. “Đối tượng của trường chuyên là bồi dưỡng tài năng, tạo nguồn chất lượng cao và các đối tượng yếu thế, do đó khó tư nhân hóa” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học nói thêm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, xu hướng hoàn thiện trường chuyên chỉ có ở cấp THPT, còn các cơ sở giáo dục đang tồn tại các cấp khác (tiểu học, THCS) thì sẽ xem xét. Về thông tin giá sách giáo khoa được phản ánh cao hơn nhiều so với mọi năm, ông Thành nói thêm, giá thành sách được tính trên cơ sở kê giá từng trang in, so với sách cũ sẽ không chênh lệch nhiều. “Chủ yếu tăng giá ở in màu và chất lượng giấy cũng như trang in, do đó, có cảm giác giá cao hơn sách cũ” – ông Thành phân tích.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1/9. Với các trường tư thục, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.
Riêng năm học 2020 - 2021, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung đến trường. Tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ Hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.
Về nội dung tinh giản năm học tới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài cho hay: Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học, qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ Hè cho giáo viên, học sinh.