Lễ hội do TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tới dự có đại diện Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở KH&CN đến từ 22 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có TP Hà Nội.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao Bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên cho Sở KH&CN Hưng Yên. |
Hưng Yên được biết đến là tỉnh có sự phát triển năng động trong những năm gần đây, trong đó ngành nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Trong số các sản phẩm đặc sản của Hưng Yên không thể không nhắc tới nhãn lồng, một trong những sản vật được lựa chọn để tiến Vua thời phong kiến. Đến nay, Hưng Yên vẫn còn lưu giữ được cây nhãn tổ 300 năm tuổi tại chùa Hiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên. Sở dĩ được gọi là nhãn lồng vì quả nhãn có cùi dày, nhiều lớp ôm vào nhau, vị ngọt, thơm.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 4.000ha trồng nhãn trong số gần 9.000ha cây ăn quả, chủ yếu tập trung ở TP Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu. Sản lượng bình quân đạt trên 40.000 tấn/năm, cho giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, các hộ trồng nhãn đã áp dụng quy trình chăm sóc tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa cho năng suất cao, vừa đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất là một trong những hoạt động tuyên truyền quảng bá nhãn lồng Hưng Yên đến bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó giúp cho người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm nhãn lồng chất lượng thứ thiệt, đồng thời giúp cho các cơ sở sản xuất có ý thức quản lý tốt quy trình sản xuất để cho ra thị trường những sản phẩm đáp ứng yêu cầu mẫu mã, hình thức, chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, thông qua lễ hội, các nhà sản xuất, chủ vườn, HTX trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có cơ hội ký kết được nhiều hợp đồng hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm nhãn lồng.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng nhãn theo hướng VietGAP, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiềm năng nông sản, đưa nhãn lồng Hưng Yên đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ông Quang cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, các tỉnh, TP và các DN làm cầu nối đưa sản phẩm nhãn chính hiệu đến với thị trường.
Cũng tại lễ khai mạc, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được sản xuất tại 4 địa phương: TP Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động cho Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên.Theo Ban Tổ chức, Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất thu hút hàng trăm gian hàng đến từ các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng. Riêng tỉnh Hưng Yên có trên 100 gian hàng, trong đó có 10 gian hàng trưng bày sản phẩm nhãn lồng. Các gian hàng của Hưng Yên khá đa dạng gồm các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như mây tre đan, chế biến lâm sản, chế biến nông sản thực phẩm, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo, nghệ, gạo, các loại cây có múi…Trong ngày 8/8, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội cùng đại diện các DN sẽ làm việc với tỉnh Hưng Yên về xúc tiến thương mại cho sản phẩm nhãn lồng và triển khai chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội.