Đình Phả Trúc Lâm tiếp tục trở thành một điểm dừng chân tiếp theo trong Dự án “Chuyện Đình trong phố”, tái hiện lại câu chuyện về tiến sĩ Nguyễn Thời Trung thời nhà Mạc từng đi sứ sang Trung Quốc. Khi đi qua Hàng Châu, ông học được nghề thuộc da đóng giầy mang về dạy lại cho dân làng Trúc Lâm.
Từ những đôi hài, đôi hia bằng da học từ quy trình đóng giầy cho các quan võ bên Trung Quốc, kỹ thuật thuộc da đóng giầy khi được tiếp thu bởi các nghệ nhân Việt đã dần hoàn thiện và đi vào đời sống, đặc biệt nở rộ trong quá trình giao thoa với văn hoá phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Những đôi giầy da của các nghệ nhân đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc sống hiện đại, chứ không còn chỉ dành cho tầng lớp quan lại, quý tộc như mấy trăm năm trước khi nghề được truyền dạy thời ông tổ nghề tiến sĩ Nguyễn Thời Trung.
Tại triển lãm, các hoạ sĩ đã sáng tác ra những tác phẩm mỹ thuật màu nước trên giấy dó truyền thống, kết hợp với đèn led hiện đại để tạo nên tác phẩm sắp đặt ánh sáng, gợi lại ký ức xa xưa thuở ban đầu mấy trăm năm trước khi những đôi hài đôi hia bằng da bắt đầu được truyền dạy cho những người dân làng Trúc Lâm.
Những đôi hài được cách điệu trong các tác phẩm của 2 hoạ sĩ Vũ Xuân Đông và Phạm Hùng Anh, cùng với các đôi giầy da hiện đại kết hợp với nhau góp phần tô điểm cho ngôi đình cổ, đồng thời ngợi ca công đức của những người thầy đã mang lại một nghề quý cho nhân dân, góp phần tạo nên sức sống của làng nghề phố nghề suốt mấy trăm năm ở chốn kinh kỳ.
Cùng với Đình Hà Vỹ, Đình Tú Thị, Đình Trung Yên, Đình Yên Thái, Đình Nam Hương, Đình Phả Trúc Lâm sẽ góp thêm vào bản đồ nghệ thuật Phố cổ khi gắn kết với những không gian văn hoá nghệ thuật nổi tiếng trước đó như Hội Quán Quảng Đông xưa, không gian nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân hay sắp tới là Hội Quán Phúc Kiến để góp phần thúc đẩy giá trị văn hoá di sản trong đời sống của đô thị hiện đại.