Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai trương rầm rộ, đóng cửa lặng lẽ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian phát triển nóng với sự bùng nổ của một loạt các siêu thị điện máy như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Đệ Nhất Phan Khang, Ideas, Best Carings… thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ điện máy nói riêng bắt đầu bước vào quá trình sàng lọc khốc liệt.

 Một số doanh nghiệp (DN) đã phải tuyên bố phá sản, trong khi đó không ít siêu thị điện máy khác cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa.

 

Cạnh tranh khốc liệt

 

Những năm trước đây, bán lẻ điện máy là ngành hái ra tiền, thị trường sôi động với sự ra đời của rất nhiều siêu thị lớn. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, sức mua giảm mạnh, kinh doanh điện máy rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có, khiến siêu thị lớn nhỏ đều điêu đứng.

 
Lượng khách mua hàng tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim giảm mạnh.    Ảnh: Hoài Nam
Lượng khách mua hàng tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim giảm mạnh. Ảnh: Hoài Nam
Đầu tháng 9, chuỗi siêu thị điện máy HomeOne, thuộc Công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiền Phong với số vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đã chính thức rời khỏi thị trường TP Hồ Chí Minh. Trước HomeOne, đã có nhiều siêu thị điện máy "rời bỏ cuộc chơi" như Best Caring, Wonderbuy, Ebest, Lộc Lê, Vietnamshop.com... Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng điện máy nhỏ trên phố Hai Bà Trưng cũng âm thầm… mất tích. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng giới kinh doanh ở đây cho biết, đã có khoảng 20% số cửa hàng đóng cửa, hoặc chuyển nhượng từ đầu năm 2011 đến nay.

 

Lý do đóng cửa được nhiều đơn vị trong ngành bán lẻ điện máy phân tích đến từ chi phí vận hành lớn, trong đó chi phí thuê mặt bằng chiếm từ 30 - 50%, kế đến là chi phí cho hậu mãi. DN đầu tư dàn trải, mở nhiều trung tâm, chi nhánh nhưng thu không đủ bù chi nên đóng cửa là kết cục không tránh khỏi. Dự báo từ nay đến năm 2014, sẽ còn nhiều siêu thị điện máy "rơi rụng" nếu tiềm lực không đủ mạnh.

 

Cầm cự qua cơn bĩ cực

 

Thu hẹp diện tích hoặc đóng cửa; nguồn hàng tồn kho ở mức báo động; ngay cả những ngày cuối tuần, người bán vẫn nhiều hơn người mua… là thực tế đáng lo ngại của không ít siêu thị điện máy tại Hà Nội hiện nay. Có siêu thị trước đây doanh số bán đạt khoảng 80 tỷ đồng/tháng nay đang tồn kho số hàng lên tới 270 tỷ đồng. Những siêu thị hàng tồn kho cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay thì khó khăn càng chồng chất.

 

Hiện, nhiều DN đã phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh để tồn tại qua cơn bĩ cực. Tại Hà Nội, một loạt các siêu thị điện máy cũng bắt đầu thu hẹp quy mô trưng bày... Những ngày gần đây, khách hàng khá bất ngờ khi thấy một số siêu thị thuộc chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim bày bán thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng như: Bột giặt, mỹ phẩm, dầu gội đầu…

 

 Theo tính toán của chính các DN, để vận hành một siêu thị, chi phí mỗi tháng không dưới 5 tỷ đồng, một năm khoảng 60 tỷ đồng. Để hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng. Dưới mức này coi như thua lỗ. Giới kinh doanh cho rằng, do thị trường bán lẻ luôn trong quá trình thanh lọc khốc liệt nên dự kiến trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty phải phá sản, chuyển ngành nghề. Theo đó, cuộc chạy đua bán lẻ điện tử, điện máy sau cuộc thanh lọc sẽ chỉ còn lại chưa đến 10 DN. Đặc biệt, đến năm 2015, khi các công ty bán lẻ nước ngoài ồ ạt nhảy vào thị trường nội địa, "cuộc chiến" sẽ còn cam go gấp bội.