Mọi người đều thấy chị đi rất nhiều, và gọi chị là “phượt thủ chuyên nghiệp”?
- Các bạn đã bao giờ thấy một người phượt mà 6 ngày đi 5 nước ở châu Âu không? Và đã thấy người đi phượt ra tận Trường Sa chưa? Năm ngoái, tôi đi từ mũi Cà Mau đến đầu Móng Cái và ra Trường Sa, tôi nghĩ là không có nhiều người đi phượt mà ra được đến Trường Sa. Các bạn chinh phục cực Đông thì thường chỉ là cực Đông của đất liền, hoặc ra mũi Kê Gà ở Nha Trang, tôi đã ra cực Đông của cực Đông - nơi tiền duyên ở Trường Sa. Nhưng tôi cũng không muốn gọi là phượt, chỉ muốn là một người đi du lịch “bụi” và đặc biệt thích đi một mình. Tôi thấy từ đó sẽ mô tả đúng hơn con người mình hoặc những gì mà mình làm.
Các chuyến đi chủ yếu phụ thuộc vào việc sắp xếp thời gian, có người cứ đến cuối tuần là lại đi đâu đó, thậm chí có người lên kế hoạch rõ ràng: Hè đi Thác Bà, mùa thu đi Cửa Đại, mùa xuân có thể đi dọc biên giới Việt - Lào, đi ở phía bờ tây của sông Mã… Nhưng tôi thì nếu muốn đi, sẽ xin nghỉ một thời gian để đi liên tục các tuyến, giống như năm ngoái: vào Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Khe Sanh, ra chiến trường Quảng Trị, vào Nghĩa trang Trường Sơn, rồi đến đảo Lý Sơn, sau đó có thể vào Sài Gòn, rồi xuống Cần Thơ... Tôi sẽ đi một vệt như thế và không bị phụ thuộc vào thời gian. Có khi một mùa hè, mọi người chỉ đi một biển, còn tôi đi đến 7 - 8 biển, tôi cảm thấy có động lực sống nhờ những chuyến đi ấy.
Có địa điểm nào mà Trang Hạ đã đi nhiều lần, vẫn muốn đi tiếp?
- Đó là Đài Loan (Trung Quốc), tôi đã đi vòng quanh Đài Loan 6 lần, bằng ô tô và bằng xe máy. Hy vọng nếu có nửa tháng ở Đài Loan nữa, tôi sẽ có cuộc khám phá thú vị bằng xe đạp. Tôi đi chủ yếu là để trải nghiệm, đến cả những nơi quanh quất và những nơi khiến mình thấy có cảm hứng. Tôi thích nhất quãng đường rơi vào khoảng dưới 100 cây số để có thể đi và về trong ngày. Cách đây 20 năm, vào những ngày nghỉ, tôi hay ra ga Hàng Cỏ mua vé chuyến tàu gần nhất, chưa biết là đi đâu cả. Cảm giác của tôi lúc đó là háo hức vì được đi ở trên tàu, khám phá những sân ga. Phượt giờ đây đang trở thành trào lưu sưu tập điểm đến, trong khi đó tôi rất mong muốn là đến nhiều lần và mỗi lần đến kèm theo một mong ước khác nhau.
Tết Âm lịch, nhiều bạn trẻ lên kế hoạch đi phượt. Theo chị nên đi như thế nào vào thời gian này?
- Tôi có thể giới thiệu cho mọi người một tour du lịch trong lòng Hà Nội. Bạn có thể đi thăm một loạt các bảo tàng, từ bảo tàng công binh, sang bảo tàng hậu cần, bảo tàng lịch sử, quay về bảo tàng mỹ thuật và một số bảo tàng bom mìn chẳng hạn. “Phượt” có nghĩa là bạn phải tranh thủ đi sưu tập các điểm đến, cuộc đi của bạn được đánh dấu bởi các chặng đường, trải nghiệm, cảm hứng sống mà bạn nhận được. Với tôi, tôi rất cần gặp những con người, quan tâm đến những dòng giá trị vẫn còn chảy trong cuộc sống ngày hôm nay. Ví dụ như quan điểm về các cuộc chiến tranh, về góc quản lý văn hóa ở các tour vòng quanh bảo tàng. Nghĩa là mối quan tâm của bạn sẽ quyết định tới cách bạn đi như thế nào.
Tôi từng nghe một định nghĩa như thế này: “Nơi xa nhất là nơi bạn chưa từng đến”. Nếu như thế, ở Hà Nội có nhiều nơi rất xa lạ đối với bạn, còn rất nhiều thứ ở đời sống xung quanh mà bạn thờ ơ. Có thể đó chỉ là quan điểm cực đoan của cá nhân, nhưng tôi vẫn cho rằng, đi nhiều chưa chắc đã là chuẩn mực của thế hệ trẻ.
Xin cảm ơn chị!
Trang Hạ trong một chuyến đi Bắc Kạn.
|