Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám phá và trải nghiệm cùng phim khoa học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quang hợp là gì? Tia laser được sử dụng như thế nào? Ánh sáng và bóng đổ đóng vai trò...

Kinhtedothi - Quang hợp là gì? Tia laser được sử dụng như thế nào? Ánh sáng và bóng đổ đóng vai trò như thế nào trong nghệ thuật và văn  hóa?... Câu trả lời cho những thắc mắc khoa học này sẽ phần nào được tìm thấy trong Liên hoa phim khoa học diễn ra tại 8 tỉnh, thành của Việt Nam từ ngày 11/10 đến ngày 6/12/2015.

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan năm 2005, đến nay Liên hoan phim khoa học đã được mở rộng, tổ chức tại nhiều quốc gia, trở thành sự kiện phim khoa học có quy mô lớn trên thế giới, thu hút được đông đảo khán giả đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi. Đến Việt Nam từ năm 2011, qua 4 kỳ tổ chức, Liên hoan phim khoa học đã trở thành một sân chơi ý nghĩa, tạo cảm hứng cho nhiều trẻ em và thanh thiếu niên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Những bộ phim được giới thiệu tại Liên hoan mang đến cho đông đảo công chúng những lý giải dễ hiểu và thú vị về các vấn đề khoa học.

 
Khám phá và trải nghiệm cùng phim khoa học - Ảnh 1
Liên hoan phim khoa học năm nay hưởng ứng “Năm ánh sáng quốc tế 2015” được Liên Hợp Quốc đưa ra nhằm mục đích thể hiện sự ảnh hưởng của công nghệ quang học đến sự phát triển bền vững. Với chủ đề “Ánh sáng và ứng dụng của ánh sáng”, Liên hoan thu hút sự tham gia của 42 quốc gia với 140 phim gửi đến từ 42 quốc gia khác nhau.

Ban giám khảo đã chọn ra 13 phim tiêu biểu bao gồm: Gián, tắc kè và robot, Sức mạnh của ánh sáng và âm thanh, Mắt chim ưng, Đêm sáng - ánh sáng làm ô nhiễm môi trường như thế nào, Bí mật của các biển quảng cáo neon, Bong bóng, Con voi ánh sáng, Điêu khắc thủy tinh, Chiếc gương, Máy ảnh lỗ kim, Tháp đồng hồ Mecca, Ánh sáng, Cầu vồng hình thành như thế nào.

Tại Việt Nam, Liên hoan phim được mở màn tại rạp Kim Đồng (Hà Nội) vào chiều nay (11/10) với việc trình chiếu và thuyết trình các vấn đề xoay quanh nội dung phim. Tại đây, những bộ phim như “Cầu vồng hình thành như thế nào”, “Ngôi nhà của các nhà khoa học tý hon: Bong bóng”, “Chín-một-phần-hai: Đêm sáng - Ánh sáng làm ô nhiễm môi trường như thế nào” và “Con voi ánh sáng” sẽ mang đến cho người xem những cái nhìn đầu tiên về quy luật tự nhiên, bảo vệ môi trường và công nghệ ánh sáng.

Tiếp đó, ngày 12/10/2015 những hoạt động khai mạc của Liên hoan phim sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Trong khuôn khổ diễn ra Liên hoan, từ ngày 18/10-15/11/2015 tại Viện Goethe, các em nhỏ cùng bố mẹ sẽ có cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ thông qua những trò chơi thú vị. Cùng với Hà Nội, tại các các điểm trường ở 7 tỉnh thành khác là Vinh Phúc, Thái Nguyên, Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam- Hội An, Đăk Lắk, T.P Hồ Chí Minh... các em nhỏ cũng sẽ được khám phá ánh sáng qua các bộ phim và các thí nghiệm, trò chơi hấp dẫn.

Tiến sỹ Almuth Meyer-Zollitsch - Giám đốc Viện Goethe cho biết: Liên hoan phim khoa học 2015 sẽ giới thiệu tới công chúng 13 bộ phim khoa học đến từ 5 quốc gia Đức, Philippines, Thái Lan, Anh, Canada. Các phim được trình chiếu đều được thuyết minh bằng tiếng Việt và được minh họa kèm thí nghiệm để các em học sinh có thể hiểu sâu sắc hơn những vấn đề của khoa học và công nghệ. Qua các thí nghiệm sinh động, BTC Liên hoan phim hy vọng sẽ truyền cảm hứng tới các em, thúc đẩy ý thức khoa học trong các em.

Đại diện cho đơn vị tham gia tổ chức Liên hoan phim, ông Hoàng Dương, Giám đốc công ty TNHH Giải pháp Giáo dục THD cho biết: Để chuẩn bị cho Liên hoan phim, Công ty đã huy động 150 tình nguyện viên, tổ chức các buổi tập huấn cho các tình nguyện viên tại Hà Nội và đại diện các tình nguyện viên tại các tỉnh thành nơi Liên hoan phim diễn ra. Gần 20 thí nghiệm phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm cùng phim như: thí nghiệm ứng dụng của gương, bẻ cong ánh sáng bằng lăng kính, công nghệ 3D tự chế... cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng hy vọng sẽ bồi đắp niềm đam mê khoa học cho các em.

 “Phim là một tư liệu đào tạo sinh động nhất còn các trò chơi, thí nghiệm chính là phương pháp trải nghiệm thú vị giúp các bạn trải tìm hiểu, khám phá để có được những kiến thức khoa học bổ ích”- Ông Dương nhấn mạnh.