Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khán giả chê chính kịch là vì vở diễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 11 này, "Hamlet" trở thành hiện tượng của sân khấu chính kịch phía Bắc khi đêm diễn "cháy vé" dù giá vé cao ngất ngưởng ở ngưỡng 1 triệu đồng.

Khán giả chê chính kịch là vì vở diễn - Ảnh 1Là "người trong cuộc", Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh đã giải thích rất cặn kẽ và tường tận về căn nguyên của việc khán giả tìm về với chính kịch.

Vở "Hamlet" tạo được hiệu ứng rất tốt trên các phương tiện truyền thông và trong giới làm nghề, nhưng nhiều người cho rằng đó chỉ là “cơn sốt ảo”. Bởi một đêm diễn chưa đủ để nói khán giả Thủ đô đã quay lại với chính kịch?

- Chúng tôi không chỉ diễn một đêm duy nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội hôm 3/11. Hiện nay, vở diễn liên tục sáng đèn vào các đêm thứ 6, 7 và Chủ nhật hàng tuần tại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngoài ra, ngày 5/1/2016, “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ vào TP Hồ Chí Minh diễn một đêm ra mắt, giới thiệu với khán giả Sài Gòn về sự trở lại của anh cả đỏ làng kịch ngày nào. Bắt đầu từ năm 2016, “Hamlet” cũng được biểu diễn 2 buổi/1 tháng tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội để chào đón cho năm kỷ niệm Sakerpeare toàn cầu. Khi diễn thường xuyên ở Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi sẽ nghiên cứu về giá vé, chắc chắn không thể để 1 triệu/1 vé như đêm ra mắt duy nhất vừa rồi. Buổi diễn vừa qua là phép thử cho vở diễn để chúng tôi có thể khẳng định kịch kinh điển vẫn có khán giả bằng giá vé đó.

Nhiều năm nay, các vở chính kịch dựng lên chỉ để tham dự các liên hoan, hội diễn. Các nhà hát muốn “bù lỗ” chỉ có cách đưa vở đi lưu diễn ở các tỉnh, TP xa xôi. Ông có đồng ý với quan điểm này?

- Qua 3 năm chuyên tâm cho các vở chính kịch, tôi không nghĩ chính kịch không có khán giả. Thực tế, các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam như: "Tai biến", "Bệnh sĩ", "Mưa dông thấy nắng", "Lâu đài cát"… đều đang chạm ngưỡng 100 suất diễn. Vở "Lâu đài cát" đầu tư dàn dựng hết 1 tỷ đồng, đến nay thu về gần 2 tỷ đồng. Trước đây, chính kịch không có khán giả là do bản thân vở diễn chưa có sức hút. Cách đây 3 năm, khi tôi nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nhiều người nói rằng nhà hát đang ở thời kỳ đáy của khủng hoảng. Nghệ sĩ lười sáng tạo vì họ không biết sáng tạo để làm gì.
Một cảnh trong vở ''Hamlet''.
Một cảnh trong vở ''Hamlet''.
Tôi lấy chính khó khăn ấy làm điểm tựa, lấy chính dấu mốc 60 năm thành lập nhà hát làm sức bật. Chính cái buổi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, khi lớp nghệ sĩ cũ trở về truyền hơi ấm, truyền nhiệt huyết nghề cho lớp trẻ của ngày hôm nay, để họ nhìn lại quá khứ; thì chúng tôi bắt đầu con đường đi tìm lại chính mình. Chúng tôi đang chạm được ngưỡng vượt qua khó khăn, có những vở chính kịch có dấu ấn. Khi vở diễn của nhà hát để lại ấn tượng, tôi hiểu rằng chính kịch vẫn có khán giả của riêng mình, dù số lượng đó chưa nhiều.

Không nhiều khán giả, chính kịch đi bằng con đường nào để tồn tại, để ông tự tin “Hamlet” diễn được ở Nhà hát Lớn Hà Nội hàng tháng?

- Tôi biết hiện nay chính kịch đang rất khó khăn, khán giả miền Bắc luôn có tư tưởng chờ vé mời. Muốn vượt lên khó khăn đó chỉ có thể bằng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Ngoài ra, hiện nay sân khấu kịch đã tìm được “mạnh thường quân”, nhiều doanh nghiệp muốn kết hợp với nghệ thuật để giới thiệu công việc của họ. Nếu không có doanh nghiệp, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ không có đêm diễn “Hamlet” ở Hà Nội hay ở TP Hồ Chí Minh sắp tới.

Ông đang rất tự tin trên con đường tìm lại thương hiệu "anh cả đỏ" cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Có vẻ như năm 2016, sân khấu của Nhà hát sẽ tràn đầy chính kịch?

- Ngoài việc quan tâm phục dựng những vở kinh điển, năm 2016, nhà hát sẽ đặt hàng những vở mang hơi thở đương đại, đó là một vở kịch về đề tài giáo dục, một vở về vấn đề gia đình và xã hội… Khó khăn lớn nhất đối với Nhà hát không phải là khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, mà là địa điểm biểu diễn. Chúng tôi vẫn thiếu “một cái nhà để hát” theo đúng nghĩa đen bởi chính kịch cần một sân khấu đạt chuẩn mới có thể lột tả được tinh thần của vở diễn. Hiện nay, các vở của chúng tôi vẫn phải diễn tạm nơi gọi là sân khấu nhà hát (số 1 Tràng Tiền), nhưng nó không khác mấy một phòng tập, vì quy mô quá nhỏ. Hy vọng thời gian tới chính kịch sẽ được quan tâm, khán giả sẽ biết đến các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam nhiều hơn.

Xin cảm ơn ông!