Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khan hiếm lao động có kỹ năng

Oanh Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực tế có tới hớn 36% số học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) năm 2019, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTB&XH Trương Anh Dũng cho biết, đơn vị đang tập trung vào hai khâu đột phá để nâng chất lượng đào tạo nghề.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTB&XH Trương Anh Dũng
Ông có nhận định gì trước thông tin có 233.895 trên tổng số 887.173 thí sinh (chiếm trên 36%) không đăng ký xét tuyển ĐH 2019?
- Thực ra, có hai câu chuyện khác nhau và hai con số khác nhau. Một là các em chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT mà không tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Hai là, các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển ĐH. Đây là xu hướng khá mới trong vài năm gần đây. Nguyên nhân do thị trường lao động đang tạo ra sức hút, tạo ra cơ hội việc làm cho các em. Tôi cho rằng đây không phải là chuyện tích cực, lao động không có bằng cấp mà được tuyển dụng vào làm việc chỉ là câu chuyện trước mắt.
Về lâu dài, để nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng lực lượng lao động, học sinh, sinh viên phải qua đào tạo bài bản, dù ở trình độ nào. Đối với lĩnh vực GDNN, Bộ LĐTBXH đã và đang phối hợp cùng Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tập trung vào học sinh THCS, THPT để các em có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình, ĐH không chỉ là con đường duy nhất.
Các chính sách về công tác phân luồng đã mang đến hiệu quả thế nào, thưa ông?
- Theo thống kê, rất nhiều DN đến trường tuyển dụng nhân lực ngay tại kỳ thi tốt nghiệp. Thậm chí, có những ngành nghề học sinh, sinh viên chưa tốt nghiệp cũng có DN đến đặt vấn đề tuyển dụng. Thực tế, năm 2017 có 80% số học sinh, sinh viên học ở hệ thống GDNN ra trường có việc làm, thu nhập cao thì sang năm 2018 đã lên tới 85%. Một lý do nữa khiến cho số HS không đăng ký xét tuyển ĐH tăng là bởi nhu cầu thị trường lao động về lực lượng lao động có tay nghề đã tăng lên. Nhiều DN đang kêu khan hiếm lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề đã tạo ra lực hút đối với các em. Điều đó dẫn đến năm 2017 chỉ tiêu tuyển sinh GDNN chỉ đạt 60 - 70% so với kế hoạch đề ra nhưng 2 năm nay đều vượt kế hoạch.
 Học sinh trường Trung cấp nghề Du lịch Hà Nội đang trình diễn kỹ năng nghề tại ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc 
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thời gian tới, hệ thống GDNN sẽ phải làm gì, thưa ông?
- Trước tiên, cần làm tốt công tác truyền thông, hướng nghiệp. Thứ hai, tập trung nâng chất lượng dạy nghề. Hiện nay, có những cơ sở GDNN làm rất tốt công tác đào tạo nghề nhưng nhìn tổng thể, đặc biệt là những trường TC, CĐ ở vùng khó khăn việc tuyển sinh còn khó vì điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu việc làm, cơ hội việc làm chưa nhiều.
Để nâng chất lượng đào tạo, chúng tôi tập trung vào 2 đột phá. Đầu tiên xây dựng tiêu chuẩn và chương trình đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu vị trí việc làm trong DN. Tiếp đến là tập trung vào xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho đối tượng tốt nghiệp THCS, THPT kể cả lực lượng lao động hiện đang làm việc có nhu cầu cải thiện nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Tổng cục GDNN chỉ đạo các trường phối hợp với DN như thế nào để người học ra trường có việc làm ngay?
- Trong Luật GDNN quy định rõ quyền và trách nhiệm của DN trong hoạt động GDNN. Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 29 về hợp tác đào tạo, DN được tham gia tới 40% chương trình. Vừa rồi, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo và Tổng cục GDNN cũng quyết liệt trong việc kết nối DN tổ chức các hội nghị diễn đàn và ký kết hợp tác giữa GDNN với DN. Qua đó để nắm được nhu cầu của DN về quy mô, cơ cấu, trình độ, ngành nghề mới, kỹ năng mới, nhu cầu tuyển dụng để tổ chức đào tạo đáp ứng.
Xin cảm ơn ông!