Khẩn trương hoàn thành gieo cấy vụ Xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt rét đậm từ ngày 23 – 28/2, đã khiến thời vụ gieo cấy của nhiều địa phương trên địa bàn TP bị gián đoạn và chậm hơn so với kế hoạch ban đầu (cấy xong trong tháng 2/2016).

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ấm trở lại, bà con nông dân đã tích cực xuống đồng gieo cấy lúa Xuân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Út, ở thôn Thượng Thanh, xã Thanh Cao cho biết, từ mấy ngày trước, chị đã mượn thêm 2 nhân công lao động vừa nhổ mạ, vừa cấy lúa nên gia đình chị chắc chắn sẽ "lên đồng" trong ngày mai. Không chỉ có Thanh Cao mà tại nhiều cánh đồng thuộc địa phận các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa bà con nông dân đều xuống đồng làm đất, lấy nước, cấy lúa rất khẩn trương. Tương tư, trên cánh đồng ven sông Cà Lồ, bà con nông dân huyện Sóc Sơn cũng đang tất bật với công việc đồng áng.

Còn tại một số huyện, thị xã như: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng … do đã hoàn thành gieo cấy lúa sớm trong tháng 2 nên thời điểm này các địa phương đang tập trung giữ nước chăm sóc lúa.

Ở huyện bán sơn địa như Sóc Sơn, nguồn nước thường gặp khó khăn song đến thời điểm này đã được đảm bảo, cung cấp đủ nước cho nông dân canh tác. Đến hết ngày 3/3, Sóc Sơn đã gieo cấy được trên 8.400ha (bằng khoảng 95% kế hoạch).

Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, vụ Xuân 2016, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 6.500ha. Tính đến ngày 3/3, toàn huyện đã cấy được hơn 50% diện tích. Đối với một số xã có gặp đôi chút khó khăn về nguồn nước như: Xuân Nộn, Nguyên Khê..., huyện đã chỉ đạo các xã căn cứ vào khả năng đáp ứng nguồn nước, nghiên cứu, chủ động hướng dẫn bà con chuyển đổi lúa sang một số loại cây trồng khác như rau màu, đỗ tương để đảm bảo kế hoạch gieo trồng vụ Xuân 2016.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 3/3, toàn TP đã cấy được hơn 90% diện tích. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều nông dân bày tỏ lo lắng khi thời vụ cấy lúa xuân năm nay phải kéo dài vì thời tiết rét đậm gián đoạn, xen kẽ. Chị Nguyễn Thị Hiếu, ở thôn Thượng Thanh, xã Thanh Cao cho hay, do mạ được gieo từ 2/3 (tức ngày 23 tháng Chạp Âm lịch) nên đến nay tuổi mạ đã lên đến hơn 30 ngày. Như vậy là mạ bị già và chắc chắn khả năng hồi xanh, đẻ nhánh của lúa cũng sẽ bị chậm. 

Ông Chu Phú Mỹ -  Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nắm bắt kịp thời phản ánh của bà con nông dân và tình hình thực tế, ngày 2/3, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương, ngay sau khi cấy xong phải đảm bảo cung cấp đủ nước dưỡng lúa. Cùng với đó, Sở khuyến cáo nông dân, từ 5 – 7 ngày sau cấy khi mạ hồi xanh, tập trung làm cỏ sục bùn, bón thúc sớm để lúa đẻ nhánh, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt.