Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương tiêu úng cứu lúa kịp thời

Văn Thắng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Trước mắt là tiêu úng thoát nước, cứu được những diện tích đang bị ngập úng. Đối với những diện tích không thể cứu được thì phải có các biện pháp tiếp theo đảm bảo sản xuất và thu nhập cho nông dân".

Ước tính đã có hàng trăm nghìn héc ta lúa và hoa màu ở đồng bằng Bắc bộ bị ngập úng do bão số 1, trong đó, hàng chục nghìn ha có khả năng mất trắng nếu không tiêu úng kịp thời. 

Lo ngại nhất hiện nay là tại nhiều địa phương, mưa bão đã gây ra sự cố về điện khiến các trạm bơm tiêu úng, thoát lũ không thể vận hành. Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 1, đầu giờ chiều nay, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đã cử các đoàn công tác đi nắm bắt tình hình thiệt hại và phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT 
Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT 
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, tại các địa phương bị thiệt hại do bão số 1, các đoàn công tác của Cục Trồng trọt đang triển khai những công việc gì?

Các đoàn công tác xuống địa phương với nhiệm vụ đánh giá tình hình ngập úng về lúa hoa màu và cây ăn quả. Đồng thời cùng với địa phương bàn các biện pháp tháo gỡ. Trước mắt là tiêu úng thoát nước, cứu được những diện tích đang bị ngập úng. 

Đối với những diện tích không thể cứu được thì phải có các biện pháp tiếp theo đảm bảo sản xuất và thu nhập cho nông dân. Chúng ta có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày, áp dụng biện pháp gieo xạ rút ngắn thời gian sinh trưởng, hoặc những loại cây rau màu thay thế để khôi phục sản xuất. 

Đoàn sẽ tập hợp thiệt hại để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chính phủ để đề xuất những chính sách hỗ trợ, giải quyết nhanh nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Theo dự báo, mưa sau hoàn lưu bão sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày và đêm nay. Vậy điều đáng lo ngại nhất đối với những địa phương đang có nhiều diện tích lúa và hoa màu chịu thiệt hại nặng nề do ngập úng như: Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình hiện nay là gì thưa ông?

Diện tích lúa mùa đang bị ngập với tỉ lệ phần trăm diện tích khá cao. Nếu như mưa lớn tiếp tục xảy ra thì diện tích lúa thiệt hại sẽ tăng lên. Thời gian ngập úng kéo dài thì khả năng chống chịu của lúa sẽ trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản xuất vụ mùa cũng như sản xuất rau màu, thậm chí là cây ăn quả. 

Chúng tôi mong muốn các địa phương sử dụng mọi nguồn lực có thể, tìm mọi cách tiêu úng thoát nước cứu lúa, cũng như về phía Tập đoàn điện lực Việt Nam sớm sửa chữa sự cố về điện và cung cấp điện để tiêu úng giảm thiểu thiệt hại.

Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Cục Trồng trọt khuyến cáo gì đối với các địa phương và người dân trong vùng ngập úng, thưa ông?

Đề nghị các Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan thường xuyên bám sát tình hình thực tế. Bởi có bám sát tình hình thực tế chúng ta mới có thể phát hiện ra những vấn đề phát sinh. Từ đó, đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời. Người dân cần bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để khôi phục sản xuất và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra. 

Xin cảm ơn ông!
Chiều 28/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp thông tin tình hình và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục thiệt hại sau bão số 1. 

Theo tổng hợp từ Ban chỉ huy PCTT các địa phương, đến 17 giờ chiều qua (28/7), có 1 người ở Thanh Hóa bị mất tích và 8 người bị thuơng (Hà Nội 5 người, Thái Nguyên 3 người) do bão số 1. 12 tàu cá tại Nam Định (7 tàu), Hải Phòng (3 tàu) Thanh Hóa (2 tàu) bị chìm. 1.425 nhà bị tốc mái, hư hỏng. 5.562 cây xanh và trên 15.000 cột điện bị gãy đổ. Đặc biệt, bão số 1 gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp. 

Cụ thể, diện tích lúa bị ngập lên tới 196.279ha (nhiều nhất là Nam Định 77.900ha, tiếp đến là Thái Bình 50.000ha và Ninh Bình 37.000ha). 20.794ha rau màu các loại cũng bị hư hỏng do mưa bão... 

Trước tình hình thiệt hại thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão, trong đó đặc biệt quan tâm tới giải pháp cứu lúa. (Lâm Nguyễn)