Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định dòng thông tin chủ lưu

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt tiến trình 95 năm đồng hành cùng dân tộc (21/6/1925 - 21/6/2020), báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo tiếp tục được khẳng định trong đời sống xã hội.

Không chỉ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, báo chí còn góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển của đất nước. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, một lần nữa, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, báo chí tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò định hướng xã hội của mình, cùng các cấp, ngành và Nhân dân cả nước ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
 
95 năm qua, từ những ngày đầu non trẻ, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. 41.000 người làm báo trên cả nước, đang ngày đêm nỗ lực, phát huy vai trò xung kích, dũng cảm xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió để đưa tin về các sự kiện nóng, các vấn đề về kinh tế - xã hội… Nhiều nhà báo bằng tài năng sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc để có những tác phẩm “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; bảo vệ và cổ vũ cho những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy...
Từ những tờ báo giấy truyền thống, đến nay, số lượng các ẩn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo… đã tăng vượt bậc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhu cầu tiếp nhận thông tin của Nhân dân.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội và các loại hình truyền thông, nên có lúc, tưởng chừng như báo chí đã bị tụt lại. Nhưng điều đáng mừng vai trò của truyền thông chính thống, trong đó có báo chí vẫn rất lớn và quan trọng. Điều đó được thể hiện rất rõ trong đợt phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Báo chí đã góp phần vào việc nâng cao ý thức phòng chống dịch của cả cộng đồng, cũng như động viên, khích lệ kịp thời các nỗ lực của toàn xã hội.
Đặc biệt, những thông tin được kiểm chứng của báo chí đã đem lại niềm tin cho công chúng. Một lần nữa, báo chí chính thống đã khẳng định là dòng thông tin chủ lưu trước tràn lan thông tin trên mạng xã hội. Có nhiều số liệu thống kê để thấy được tỷ lệ người đọc, người xem quan tâm đến thông tin về công tác phòng, chống dịch trên báo chí ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Điều ấy khẳng định rõ vai trò của kênh báo chí chính thống quan trọng như thế nào.
Không dừng ở công tác tuyên truyền, báo chí còn thể hiện được trách nhiệm xã hội, tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, mà dịch Covid-19 vừa qua không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của dòng chảy thông tin, báo chí cũng không thể bằng lòng với những gì đã có, mà vẫn đang tiếp tục đổi mới để thích ứng. Báo chí đã ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động tác nghiệp, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng. Những tác phẩm báo chí tích hợp đa phương tiện với những hình thức thể hiện đa dạng như infographic, megastory, long-form, e-magazin... vừa đọc, nghe, xem và tương tác với bạn đọc ngày càng nhiều và trở thành một thế mạnh của báo chí hiện đại.
Trước những thách thức ấy, bản thân các nhà báo cũng đang dần thay đổi để đáp ứng được đòi hỏi bức thiết về kỹ năng và công nghệ. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Nhiều nhà báo còn biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”. Chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, trong “cuộc đua” về thông tin đòi hỏi các báo phải cạnh tranh.
Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất. Nên dù công nghệ phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo nhưng vẫn không thay thế được trái tim, khối óc, ý chí và bản lĩnh của người làm báo. Chính điều đó đã giúp báo chí đứng vững, khẳng định được vai trò làm chủ dòng chảy thông tin, tạo ra sự đồng thuận và niềm tin trong công chúng.