Kinhtedothi - Với trên 400 luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế, với nhiều luật sư, Công ty luật uy tín đã bước đầu khẳng định sự phát triển của luật sư trong quá tình hội nhập. Tuy nhiên, để luật sư Việt Nam thực sự “vươn ra biển lớn” thì còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 cả nước mới có khoảng 20 Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế thì đến thời điểm tháng 10/2015 đã tăng lên 444 Luật sư (gấp hơn 20 lần).
Số lượng tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiện nay là 28 tổ chức, về cơ bản đã gần đạt mục tiêu của Đề án (phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30 tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế). Các luật sư hoạt động chuyên sâu chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không những phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế cũng chuyên nghiệp hơn, ngày càng xuất hiện nhiều Luật sư giỏi, tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số Công ty luật hàng đầu Việt Nam hiện nay như: Vilaf Hồng Đức, YKVN, Leadco, Bizlaw, Phạm và Liên doanh… đã tham gia hiệu quả trong việc giải quyết các vụ kiện có yếu tố nước ngoài, tư vấn cho Chính phủ trong các dự án lớn và được nhiều tạp chí lớn xếp hạng nhất trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thị trường vốn, mua bán sáp nhập, năng lượng, cơ sở hạ tầng… trong nhiều năm liên tiếp. Đây là những công ty luật có khả năng cạnh tranh với nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tốt nhất tại Việt Nam.
Cũng theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số tổ chức hành nghề luật sư uy tín đã bắt đầu có chính sách mở rộng thị trường hoạt động ra khu vực và thế giới thông qua việc đặt tổ chức hành nghề luật sư ở nước ngoài.
Một bước tiến quan trọng trong việc phát triển đội ngũ luật sư hội nhập là cuối năm 2015 vừa qua, Liên đoàn Luật sư đã thành lập Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế. Đây được coi là điểm nhấn, là kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Đề án về phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập. Việc lập Câu lạc bộ sẽ là cầu nối giữa đội ngũ Luật sư với Chính phủ và doanh nghiệp, là nơi hội tụ các Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế, nơi đào tạo các luật sư trẻ có xu hướng hội nhập.
Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song khó khăn trong việc phát triển đội ngũ luật sư chuyên sâu phục vụ hội nhập là số lượng luật sư hiện vẫn còn khiêm tốn, phân bổ không đồng đều (chỉ tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế; khả năng ngoại ngữ … cũng còn những hạn chế bất cập. Trong khi đó, các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam thì ngày càng phát triển (tính đến đầu năm 2016, có 56 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cấp phép thành lập tại Việt Nam với 224 luật sư đăng ký hành nghề), khiến cho “thị phần” luật sư trong nước bị thu hẹp.
Thêm nữa, việc các tổ chức, cá nhân khi có các tranh chấp quốc tế phải tìm đến các hãng luật nước ngoài chi phí tốn kém, mất nhiều thời gian. Vấn đề này theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam “đặt ra cho các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam nhiều thách thức phải vượt qua trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để không đánh mất thị phần ngay trên sân nhà chứ chưa nói tới việc “đem chuông đi đánh xứ người”.
Để phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế, các luật sư cho rằng, Chính phủ, Bộ Tư pháp tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa cho các Luật sư tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế; phát huy nhiều hơn vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thực hiện Đề án 123.
Bản thân các Luật sư cũng tự nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết các tranh chấp quốc tế để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong quá trình hội nhập. Nhà nước nên có nhiều hơn những chính sách thu hút các luật sư giỏi được đào tạo hay hành nghề ở nước ngoài về phục vụ đất nước.