Khẳng định vị thế nông sản Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng đã xâm nhập và chinh phục các thị trường lớn, có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy nông sản Việt Nam đã khẳng định được vị thế, chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Tăng trưởng tại các thị trường khó tính

Thủy sản là một trong những điểm sáng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tăng mạnh, trong đó tập trung vào nhóm hàng tôm và cá tra. Các thị trường như EU, Trung Đông, Mỹ đang tích cực nối đơn hàng trở lại. Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, mặt hàng rau, quả xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, năm 2021 sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện tại, vải thiều Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ, Pháp, Hà Lan, Australia…

Riêng đối với mặt hàng gạo, mặc dù lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% nhưng do giá tăng cao (11,9%) nên mặt hàng này vẫn đạt 1,49 tỷ USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam chia sẻ: “Các nước nhập khẩu gạo quan tâm nhiều đến chất lượng và tính ổn định. Những năm gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Ấn Độ nhưng nhiều nước vẫn đặt mua, chứng tỏ chất lượng và tính ổn định của gạo Việt Nam được các thị trường đánh giá rất cao”.

 Vải thiều Việt Nam được bày bán tại nhiều siêu thị của Nhật Bản 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, từ việc nâng cao chất lượng, duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng đáng kể mặc dù đối diện với nhiều khó khăn như dịch bệnh trong nước và thế giới, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng ghi nhận, hầu hết mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD.

Tập trung nguồn lực chế biến và xây dựng thương hiệu

Phân tích về nguyên nhân tăng trưởng trong xuất khẩu thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết là do nông sản Việt Nam đã khẳng định được vị thế, chất lượng của sản phẩm. Mặt khác, tại các thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, nhiều hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là xuất khẩu chế biến còn thấp, việc xây dựng thương hiệu, tạo lập khối thị trường bền vững chưa được các DN quan tâm đúng mức.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về chế biến, cùng với việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất, Chính phủ đã phê duyệt các đề án về chế biến ngành hàng nông sản như rau, quả, gạo, thủy sản… gắn với hình thành vùng nguyên liệu lớn. Mặt khác, đầu tư công nghệ chế biến sâu sẽ tạo ra dư địa rất lớn. Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, DN chế biến nông, lâm, thủy sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Do vậy, các DN cần tổ chức liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, ổn định mặt hàng.

 Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chế biến sâu tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường khó tính

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi toàn diện, hiệu quả hơn. Giá hàng hóa xuất khẩu đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, đây sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Cùng với việc yêu cầu Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch Covid-19, đề xuất biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hỗ trợ việc phát triển, xây dựng thương hiệu nông sản, cung cấp thông tin về yêu cầu chất lượng, quy cách đóng gói xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Để nông sản Việt Nam phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế xứng với tiềm năng xuất khẩu, đồng thời triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản như các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam