Chùa Côn Sơn được khởi dựng vào thế kỷ XIII. Hơn 7 thế kỷ qua, chùa Côn Sơn luôn được giữ gìn, tu bổ và trở thành trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng bậc nhất của đất nước. Từ ngày khởi dựng đến nay, chùa đã trải qua 3 lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất ở thế kỷ XIII, XIV. Lần thứ hai vào thế kỷ XVI, XVII. Lần trùng tu thứ ba vào thế kỷ XVIII. Cuối thế kỷ XIX, đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, chùa Côn Sơn bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có công trình Cửu Phẩm Liên Hoa.
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là một công trình tôn giáo có giá trị đặc sắc của chùa Côn Sơn. Theo quan niệm của Phật giáo, Cửu Phẩm Liên Hoa là một biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi niết bàn, nơi Phật A Di Đà ngự chiếu giải thoát cho chúng sinh. Chức năng của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu dương Phật Pháp, ca ngợi thế giới Cực Lạc - nơi đón nhận linh hồn của những người thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi từ trần trở về thế giới vĩnh hằng để được siêu sinh tịnh độ.
Ngày 30/10/2014, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn. Đây là công trình văn hóa cấp đặc biệt, công trình được xây dựng gồm các hạng mục: Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, Tổ đường, Hậu đường… Đến nay, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa đã cơ bản hoàn thiện và Lễ khánh thành sẽ được tổ chức gắn liền với Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2017.
Cùng với việc khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, công tác tổ chức lễ hội tiếp tục được tỉnh Hải Dương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các vấn đề như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, ách tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đổi tiền lẻ, hành nghề mê tín, dị đoan, nâng giá, chèo kéo du khách... được Ban tổ chức Lễ hội thường xuyên triển khai rà soát, chấn chỉnh trước và sau mỗi dịp lễ hội.
Tới Côn Sơn mùa xuân này, ngoài việc chiêm ngưỡng công trình như Cửu Phẩm Liên Hoa, Tổ Đường, Hậu Đường… du khách được đắm mình trong không gian văn hóa với những nghi lễ truyền thống như: Lễ khai hội, Lễ Liên Hoa Hội Thượng, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, Lễ rước nước, Lễ giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm, Lễ Mông Sơn thí thực... Các trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn, tạo không khí sôi nổi dịp đầu xuân như: hội thi gói bánh trưng, giã bánh giầy, liên hoan pháo đất, thi đấu vật dân tộc... Cùng với đó, danh lam thắng cảnh yên bình, hiền hòa của núi rừng Côn Sơn sẽ đem đến cho du khách cảm nhận mới mẻ nhân dịp xuân về.