Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khát vọng Hoàng Sa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Việt Nam có một vài trung tâm cứu nạn trên Hoàng Sa, có lẽ sẽ bớt đi nhiều nỗi đau, bớt đi những đứa trẻ ngóng cha đi biển mãi không về.

Trong đôi mắt mỏi mòn của những người góa phụ trông theo bước chân con mình đang dẫm lên vết chân cha đi về phía biển, mới thấy khát vọng chủ quyền mãnh liệt xiết bao…

Múc nước biển cho mẹ thắp hương cha

Cơn bão Chanchu tàn khốc đúng 10 năm trước quấn một vành tang trắng dọc duyên hải miền Trung. Cơn bão tàn ác khiến 22 người đàn ông ở xóm nhỏ ngót trăm nóc nhà (thôn Tân An, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mãi mãi không về. Từ đó, ngày 20 tháng Tư (Âm lịch) mỗi năm - ngày giỗ chung của 22 dân chài xóm Tân An, nước Biển Đông lại một lần vơi bớt, theo đúng nghĩa đen. Với tục lệ xưa nay của dân biển, vào ngày giỗ của những dân chài mất xác ngoài biển, bát nước biển sẽ được đặt trên bàn thờ để hi vọng, mong chờ linh hồn bơ vơ của người xấu số hòa tan trong những giọt nước mặn chát để về với quê hương, gia đình.
Xóm Tân An với nỗi đau nén chặt 10 năm nay.
Xóm Tân An với nỗi đau nén chặt 10 năm nay.
Nay, đang mùa đi biển rộ và cũng đang là mùa sóng lặng, nhưng nhìn áng chiều vàng rực cùng cơn gió se se báo hiệu một cơn bão lớn, cụ Trịnh Thị Thi lập cập chống gậy sang nhà chị Nguyễn Thị Xin. Cái tuổi hơn 80 khiến cụ khó khăn khi leo lên bàn thờ thắp nén hương. Thắp hương xong, 2 người đàn bà cầm tay nhau ngồi câm lặng. 3.600 ngày trước, họ cũng đã nhiều đêm cầm tay nhau trong câm lặng như thế - ngày anh Nguyễn Hoành (chồng chị Xin) và anh Võ Tấn Dũng (con cả cụ Thi) là hai người bạn thân cùng trên một con tàu đánh cá ngoài Hoàng Sa gặp nạn. Giờ khi biển chuẩn bị nổi cơn giông thì ngoài khơi xa, 3 cậu con trai của chị Xin và đứa cháu đích tôn của cụ Thi vẫn đang mải miết với những mẻ cá. Còn lại trên bờ, 2 người đàn bà ấy chỉ biết nắm tay nhau mà cầu trời, khấn Phật.

3 cậu con trai bé dại của chị Xin hồi cha mất, giờ đã biết đi biển. Cậu cả Nguyễn Văn Tân năm đó mới 14 tuổi và cũng đang là thợ học việc trên con tàu cha đang làm mướn. Vì bệnh bất ngờ, nên cậu không theo cha ra biển vào cái ngày định mệnh ấy nên thoát nạn. Sau tang cha, chị Xin khóc hết nước mắt với con “Má lạy con, má không thể chịu được thêm một nỗi đau nữa đâu. Con phải thề với má là không được ra biển, ở trong bờ kiếm việc, má con mình rau cháo nuôi nhau”. Tân lớn lên, đi học lái xe, nhưng sau hơn một năm làm việc, bản tính thật thà, bộc trực của dân chài làng biển không hợp nổi với công việc tài xế vốn cần chút ranh mãnh, khôn ngoan. Vậy là cậu lại về quê: “Con lạy má! Má cho con bỏ lời thề để đi biển lấy tiền nuôi má, nuôi các em” và cậu lại ra biển. Cứ thế, 2 cậu em Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Minh lại theo chân anh ra biển, để bà Xin lại với nỗi cồn cào xé lòng mỗi khi biển động…
Chị Nguyễn Thị Sương cùng các con nhỏ dại khi chồng mất ngoài biển.
Chị Nguyễn Thị Sương cùng các con nhỏ dại khi chồng mất ngoài biển.
Ông Đỗ Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cười buồn: “Dân biển nhà nào cũng 5 – 6 con. Những gia đình bị mất người cha là trụ cột kinh tế, những đứa trẻ mồ côi phải đi biển từ sớm (14 – 15 tuổi) để có tiền phụ với má nuôi các em...”.

Ước mơ giữ con trên bờ
Trong cơn bão Chanchu tháng 6/2006, Việt Nam có 14 tàu chìm và 4 tàu khác mất tích, 322 ngư dân thiệt mạng. Cơn bão Chanchu làm chết 41 người Philipines, 25 người tại Trung Quốc. Ngoài công tác dự báo kém, việc không có các trung tâm cứu hộ của Việt Nam trên biển tại Hoàng Sa là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn cho các ngư dân Việt Nam. 

Bà Cao Thị Lâu - người đàn bà được coi là có đời sống kinh tế vất vả nhất trong số 22 góa phụ thôn Tân An, trông lại có phần tươi tỉnh và thanh thản hơn cả. Khi chồng bà là ông Cao Tấn Lách ra đi trong cơn bão Chanchu, bà phải nuôi 6 đứa con thơ. Giờ đây, dù vẫn phải “ăn bám” ở cái tuổi mà các cậu trai làng chài khác đã lấy vợ có con, nhưng cậu cả Nguyễn Văn Minh (đang học năm thứ tư Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) là niềm tự hào của bà...

Lại có người ở làng mất mạng ngoài biển - anh Nguyễn Văn Thơ làm nghề lặn biển bị tai nạn và mất ngày 23/8/2013 để lại vợ và 4 con nhỏ. Cô con gái út tên Ni Ni ra đời sau khi cha mất một tuần (ngày 30/8), nhỏ xíu cứ ôm dính lấy chị Võ Thị Y Va - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa An khi chúng tôi đến thăm. Chị Nguyễn Thị Sương mẹ cháu giải thích: “Hồi ba con nhỏ mất, chị Y Va cũng đang nuôi con nhỏ. Tôi thì mất sữa, chắc do khóc anh ấy nhiều quá, cũng không có tiền mua sữa ngoài cho cháu bú. Vì thế chị ấy phải cho cháu bú nhờ miết, riết rồi nó còn quấn chị ấy hơn mẹ”. Anh Thơ ra đi, cảnh “nhà không nóc” úp chụp xuống hình hài xanh xao của cả 5 mẹ con. Chị Y Va lén lau nước mắt: “Góa phụ làng chài mỗi người có đến 5 – 6 đứa con, chỉ lo cho chúng thôi đã cực lắm rồi, thời gian đâu mà làm thêm. Chị em phụ nữ miền biển, bỏ học sớm, lấy chồng sớm, không nghề nghiệp. Một khi chồng mất, biết làm gì để nuôi con nữa?”. Nhìn cậu cả Nguyễn Văn Lâm, con anh Thơ, tôi biết chỉ sau mươi năm nữa quay lại đây, sẽ lại bắt gặp chị Sương vẫn ngồi tại chính nơi đây, ngóng con từ biển xa trở về với nỗi lo cồn cào, gào xé.

Nỗi đau ngày khai hội

Cả năm trẻ em có 2 điều vui: Ngày khai giảng và dịp Tết cổ truyền. Nhưng trong những ngày hội ấy, nhiều đứa trẻ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại đón ngày vui trong những vành tang trắng... Đảo Lý Sơn chật như nêm, xe đạp, xe thồ ken kín các con đường nhỏ. Cu Thảo mới 6 tuổi đã biết trông em, đứa em tên Nhi hơn 2 tuổi, thoáng cái đã chạy ra đường, thằng anh chặn đường quát khẽ: “Mi đi mô? Về ngay không tau đập chừ!”, thằng em lại ngoan ngoãn chạy về. Đã hơn 2 năm nay, nó phải trông em để mẹ đi ra bờ biển trồng tỏi, ba nó mất ngoài biển Hoàng Sa hồi tháng Giêng năm ngoái. Hỏi: “Ba đâu?”, chú bé Thảo chỉ bảo: “Ba đi biển xa… không về”.
Bà Cao Thị Lâu, người duy nhất giữ được lời thề với chồng để giữ con lại bờ.
Bà Cao Thị Lâu, người duy nhất giữ được lời thề với chồng để giữ con lại bờ.
Mỗi năm, Lý Sơn có hơn 10 ngư dân mất xác ngoài biển vì gió bão Hoàng Sa. Đã là ngư dân ra đến Hoàng Sa thì thường phải ở tuổi thanh niên, vì thế trẻ Lý Sơn biết đến nỗi đau mất cha rất sớm, sớm đến mức không biết rằng nó là nỗi đau lớn nhất đời người. Chị Ngô Thị Hường - mẹ của Thảo về, ôm con rồi bày ra cho con 2 chiếc bánh tráng, chị bảo: “Sáng tui đi làm sớm, không kịp cho con ăn, về buổi trưa cho chúng nó ăn tạm cái bánh tráng rồi mới nấu cơm, sợ nấu cơm muộn, chúng nó đói thì tội”. Câu chuyện của chị Hường cũng như muôn vàn câu chuyện của những góa phụ của đảo cằn này. Việc mất chồng, mất cha trên hòn đảo nhỏ này quen thuộc đến nỗi chị có một mơ ước làm người ta cay xè sống mũi: “Giá anh ấy mất lúc tụi nhỏ lớn hơn chút nữa thì đỡ hơn. Ảnh đi sớm quá nên tội cho lũ nhỏ nhà tui quá”... Tôi chợt nghĩ, chủ quyền của dân tộc Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa được xây dựng bằng xương máu của bao lớp trai tráng lao mình ra biển, bằng cả những tiếng bập bẹ của con trẻ làng chài: “Ba đi biển xa… không về”, bằng nước mắt chảy suốt bao đời của những người góa phụ... Hoàng Sa thực sự đã được vẽ lên trên bản đồ đất Việt bằng máu xương và nước mắt của dân tộc bao đời nay.

“Ngày khai giảng hoặc sau kỳ nghỉ Tết, tôi lại khấn thầm ông bà để mình không phải chứng kiến nỗi đau của những đứa học trò”. Thầy Trần Phúc Sinh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện đảo Lý Sơn ngậm ngùi kể về quãng thời gian dạy học trên huyện đảo này. Những giáo viên ở Lý Sơn thì không ai tránh khỏi chuyện gặp lại học sinh của mình sau quãng thời gian xa cách khi chúng đeo vành tang trắng trên đầu (trước đây) hoặc băng tang đen trên ngực như bây giờ. Là thời gian ngư dân bị mất mạng ngoài biển ở Lý Sơn thường tập trung vào cuối mùa hè, chuẩn bị khai giảng và trước hoặc sau Tết cổ truyền. Biển Hoàng Sa bắt đầu sóng động từ lúc trẻ em khai giảng cho đến Tết. Các thuyền bị nạn vì gió bão phần nhiều do mất cảnh giác, không phòng bị, mùa khai giảng thì nghĩ bão chưa đến, còn Tết thì nghĩ rằng mùa bão đã qua, vì thế mới có chuyện thương tâm. Thế nên, sau 3 tháng hè, sau 10 ngày nghỉ Tết, giáo viên ngoài Lý Sơn không hỏi: “Các con ăn Tết (nghỉ hè) có vui không?” mà hỏi “Gia đình các con bình an cả chứ?” và họ chỉ thở phào khi lũ nhỏ đồng loạt cất lời: “Thưa thầy, nhà con bình an ạ”…

Ngày nghỉ hè lại sắp đến, chỉ muốn xin biển đừng đội thêm những vành tang trắng trên đầu con trẻ Lý Sơn nữa...

Khát vọng chủ quyền

Về Nghĩa An với nỗi đau nén chặt, đến Lý Sơn bên nỗi buồn ngơ ngác, chưa bao giờ tôi lại thấy khát vọng về chủ quyền rõ ràng và cụ thể đến thế. Khát vọng ấy không đến bằng những lời nói hùng hồn, không đến trong những phân tích đầy tính hàn lâm… Khát vọng ấy đến qua những lời nói thô vụng của những người đàn bà hàng ngày mỏi mòn chờ chồng, chờ con: “Giá như chúng ta có được vài trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên biển tại Hoàng Sa, thì những nỗi đau sẽ không nhiều đến thế!”.