Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khát vọng làm nghề của phụ nữ người Mông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lanh với người như vợ với chồng, người Mông từ khi sinh ra đến khi về với tổ tiên đều gắn với lanh. Sản xuất vải lanh luôn gắn liền với đời sống của người Mông, đó là chia sẻ của chị Vàng Thị Mai- Chủ nhiệm Hợp tác sản xuất vải lanh xã Lùng Tám.

Tham gia Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 11, diễn ra từ 12-16/12 tại Hà Nội có Hợp tác xã sản xuất vải lanh truyền thống xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Chị em của Hợp tác xã Lùng Tám đến với hội chợ đã đem cả khung cửi, các dụng cụ để dệt vải lanh trình diễn.

 
đôi tay mềm mại thoăn thoắt đưa nhịp theo sợi tơ lanh
Đôi tay mềm mại thoăn thoắt đưa nhịp theo sợi tơ lanh.
Bên chiếc khung cửi đơn sơ, mộc mạc, đôi tay mềm mại thoăn thoắt đưa nhịp theo sợi tơ lanh và nụ cười luôn nở trên môi các chị đã thu hút rất đông khách đến mua sắm tại hội chợ. Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác sản xuất vải lanh Lùng Tám, cho biết: Đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong. Bốn nghìn năm qua, “lanh với người như vợ với chồng” không thể tách rời. Từ khi có người Mông, là có nghề dệt lanh. Người Mông sinh ra là có tấm vải lanh để mặc. Phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có mảnh nương riêng để trồng lanh, và biết dệt vải. Khi về nhà chồng cũng phải mặc áo lanh do mình tự may và đến khi chết cũng phải mặc bộ quần áo lanh thì tổ tiên mới nhận.
Nhuộm chàm và vẽ sáp ong là kỹ thuật khó đòi hỏi phải tỷ mỉ, kiên nhẫn.
Nhuộm chàm và vẽ sáp ong là kỹ thuật khó đòi hỏi phải tỷ mỉ, kiên nhẫn.
Nét độc đáo trong sản phẩm của làng nghề dệt lanh Lùng Tám đó là, nhuộm chàm và vẽ sáp ong, đồng điệu giữa tâm hồn và bản sắc văn hóa của người Mông, hiếm có nơi làm được điều này. Từ khi cắt cây lanh về đến khi dệt thành quần, áo, túi xách, ví … mỗi sản phẩm lanh Lùng Tám được đưa ra thị trường phải qua 40 khâu sản xuất đều bằng thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và kiên nhẫn của người nghệ nhân.

Làng nghề dệt lanh Lùng Tám nằm cheo leo giữa các đỉnh núi đá bốn mùa mây phủ mù sương của Hà Giang. Xưa kia ít người biết đến, nhưng từ khi Chính phủ có chính sách đối với vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, người Mông và làng nghề dệt lanh Lùng Tám đã được nhiều cấp ngành quan tâm. Đến nay, làng nghề đã trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng của tour du lịch tỉnh Hà Giang và cả nước.
Rất đông khách đến tham quan, mua sắm tại gian hàng của Hợp tác xã Lùng Tám.
Rất đông khách đến tham quan, mua sắm tại gian hàng của Hợp tác xã Lùng Tám.
Hợp tác xã dệt lanh truyền thống Lùng Tám đã được Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch tạo điều kiện đi tham gia tại nhiều hội chợ tại Pháp và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Sản phẩm lanh của làng nghề Lùng Tám đã đoạt cúp Vàng tại hội chợ các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Khát vọng làm nghề của phụ nữ người Mông - Ảnh 1
Nụ cười luôn nở trên môi các chị cuốn hút người xem.
Hợp tác xã dệt lanh truyền thống Lùng Tám đã giải quyết việc làm cho trên 130 chị em, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các chị vẫn tiếp tục dạy nghề cho các thế hệ trẻ. 

Tuy thu nhập chưa phải là cao, nhưng khát vọng làm nghề và mở rộng nghề của Hợp tác xã là để các chị em phụ nữ trên vùng cao địa đầu tổ quốc có được thu nhập ổn định, giữ làng, giữ bản như bao đời qua. Mong ước lớn hơn nữa là đưa được nhiều sản phẩm của Lùng Tám đến với thế giới khi đất nước hội nhập, lồng vào đó là tình cảm và bản sắc văn hóa của cộng đồng người Mông, Hà Giang./.