KTĐT - Việc tăng giá thuê cột điện không chỉ tác động đến các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT… mà về lâu dài, khi chi phí đầu vào bị đội lên, giá dịch vụ tới tay người tiêu dùng cũng phải tăng lên.
VNPT và Viettel vốn coi nhau là đối thủ bỗng trở thành đôi bạn bắt tay trồng cột điện. Bị EVN xử ép, VNPT cũng nhận ra hình ảnh của mình sau nhiều năm độc quyền viễn thông chèn ép doanh nghiệp mới trong các vụ kết nối.
Sau nhiều lần có văn bản qua lại, mới đây, 2 tập đoàn lớn EVN và VNPT có buổi ngồi lại với nhau để tính toán giá thuê cột điện sao cho hợp lý nhất mà các bên có thể "gật gật cái đầu" không tiếp tục lời ra tiếng vào nữa. Thế nhưng, dù có hẳn đại diện Bộ Công Thương làm trọng tài, EVN vẫn khăng giữ nguyên giá cho thuê tăng 4-8 lần so với trước.
EVN khẳng định: "Không có cơ sở hạ giá cho thuê cột". Còn VNPT chỉ biết ngậm ngùi rằng: Cách tính toán của của ông nhà đèn vô lý đến mức không thể chấp nhận được. Đây là giá độc quyền bởi so với việc xây mới, giá cho thuê của EVN cao hơn gấp 4-5 lần.
VNPT là đơn vị lên tiếng mạnh mẽ nhất bởi đây cũng là doanh nghiệp có mạng lưới điện thoại cố định có dây lớn nhất, thuê bao ADSL nhiều nhất và chi phí thuê cột điện lớn nhất. Thêm vào đó, mạng điện thoại cố định và ADSL lại không phải là "con gà đẻ trứng vàng" như mạng di động nên việc tăng chi phí đột biến (thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm) là một đòn cực nặng giáng vào những “đứa con” không mấy mạnh khỏe của tập đoàn này.
Các doanh nghiệp khác như FPT, Saigon Postel... cũng rơi vào thế khó nhưng vẫn phải âm thầm chịu đựng bởi nếu không đồng ý, ông EVN cấm treo cáp thì chỉ có… chết.
Việc tăng giá thuê cột điện không chỉ tác động đến các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT… mà về lâu dài, khi chi phí đầu vào bị đội lên, giá dịch vụ tới tay người tiêu dùng cũng phải tăng lên. Điều đáng nói là EVN hiện độc quyền tuyệt đối trong việc trồng và cho thuê cột điện nhưng vì thuê cột điện chỉ liên quan đến doanh nghiệp (chứ không trực tiếp tới người tiêu dùng) nên EVN tăng giá không cần phải xin phép ai. Cũng vì thế, chỉ đến khi VNPT, Viettel… kêu cứu khắp nơi thì mới có chuyện "hiệp thương" với sự có mặt của Bộ Công Thương để tìm phương án giải quyết.
Trong buổi hiệp thương, đại diện của EVN cho rằng, VNPT có doanh thu tới gần 80.000 tỷ đồng, lãi tới cả chục nghìn tỷ đồng thì việc tăng chi phí thêm vài trăm tỷ đồng không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng này. Thế nhưng, phía VNPT phản pháo, cùng là doanh nghiệp nhà nước, không thể có chuyện anh lãi nhiều phải đưa lại cho tôi một ít được…
Bộ Tài chính đang soạn thảo văn bản liên quan đến chính sách hiệp thương giá để lấy ý kiến các đơn vị có liên quan. Trong đó quy định chi tiết các chi phí đầu vào và yếu tố hình thành giá bán, giá thuê một sản phẩm dịch vụ nào đó... Bộ Tài chính hy vọng văn bản này sẽ tháo gỡ nút thắt về giá thuế cột điện giữa EVN và các đơn vị có liên quan.
Bộ Thông tin và Truyền thông thì cho rằng đến tháng 7 khi Luật Viễn thông có hiệu lực quy định chi tiết về vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng, các tranh chấp về giá thuê cột điện sẽ được giải quyết.
Trong lúc chờ các bộ ngành làm rõ mọi vấn đề thì mới đây VNPT và Viettel đã tính đến phương án cùng trồng cột điện chung, dù biết rằng việc làm này không dễ dàng, tốn kém mà ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, hai ông lớn trong làng viễn thông vẫn ngậm ngùi mà rằng khó vẫn phải cố vì không chịu được sự chèn ép quá đáng của nhà đèn.
Giới chuyên gia nhìn nhận, xung quanh cuộc chiến mang tên "cây cột điện" vẫn còn nhiều điều thú vị cần phải nhìn nhận về cả cái được lẫn cái mất. Cái mất ở đây là EVN, VNPT hay Viettel đều là các doanh nghiệp nhà nước nên đồng vốn chảy ngược chảy xuôi, vào túi ông nhà đèn hay nhà mạng vẫn là tiền của nhà nước. Trong khi đó, những tranh cãi kiểu trẻ con này lại làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các "quả đấm thép" của nền kinh tế, nhất là khi Chính phủ đang kêu gọi doanh nghiệp đoàn kết, tập trung toàn lực để cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu. Điều đáng nói là trong cuộc chiến này, EVN vẫn độc quyền tuyệt đối về điện và cột điện, VNPT từng độc quyền tuyệt đối về bưu chính viễn thông còn Viettel được mệnh danh là “người hùng chống độc quyền”.
Từ câu chuyện cột kèo, VNPT tìm thấy hình ảnh của mình nhiều năm về trước. Cũng với vị thế độc quyền, VNPT trong nhiều năm đã chèn ép doanh nghiệp bé khi thì vấn đề kết nối, lúc là vấn đề cơ sở hạ tầng, đường trục cáp quang...
VNPT và Viettel vốn lâu nay vẫn coi nhau là đối thủ khi bị nhà đèn chèn ép bỗng chốc quay sang bắt tay nhau tính chuyện "góp gạo thổi cơm chung". Đây là câu chuyện được coi là hiếm và lạ. Thực tế cho thấy, việc trồng quá nhiều cột điện không theo quy hoạch của EVN vốn đã gây mất mỹ quan đô thị, giờ lại thêm hàng triệu cột viễn thông của VNPT và Viettel dựng lên thì hình ảnh cột kèo sẽ mọc khắp nơi giống thời sốt anten tivi của những năm 90-91. EVN chèn ép VNPT và Viettel.
Để tránh bị chèn ép, VNPT và Viettel sẽ bắt tay chèn ép văn minh đô thị.