Cũng “ hơi giống “ bóng đá, sau những lần thi đấu tưng bừng soán được ngôi đầu của Thái Lan ở khu vực Đông Nám Á thì cầu thủ bắt đầu sinh hư, thì những năm gần đây, xe đạp Việt Nam đã có những tay đua khiến cho làng đua xe đạp châu lục và khu vực phải ngó nghiêng kiêng dè như Trương Quốc Thắng, Mai Công Hiếu, Nguyễn Nam Cực hay Bùi Minh Thụy, Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng…Và các tay đua có giá bắt đầu “sinh sự”. Không ít tay đua mạnh bắt đầu mắc bệnh “sao” khi thường được “nuông chiều” trong nếp sinh hoạt, bởi dù sao thì thành tích cao của đội cũng chính do họ mang về.
Những chuyện không hay của các tay đua này đã xảy ra ở những giải đấu lớn, đặc biệt là Cúp Truyền hình TPHCM đang diễn ra. Tại chặng thi đấu thứ 2 từ Hà Nội đi Thanh Hóa vào ngày 14-4, do sự cố tàu hỏa chạy cắt ngang nên phải xuất phát lại ở từng nhóm, nhưng thay vì cùng các đồng đội tích cực thi đấu, cựu HCV SEA Games 2009, đương kim Áo vàng Cúp Truyền hình 2012 và là đội trưởng của ADC Truyền hình Vĩnh Long Bùi Minh Thụy đã kêu gọi đồng đội tạm nghỉ vì cho rằng trọng tài đã không tính giờ chính xác cho các nhóm xuất phát lại. Thậm chí, sau khi ban huấn luyện yêu cầu quay lại đường đua, Thụy và đồng đội lại cùng nhau “đua xe đạp chậm” !
Đến chặng đua tiếp theo ngày 15-4 từ TP Thanh Hóa đi Vinh, một lần nữa, sau sự cố "kẹt tàu" ở chặng 2, các tuyển thủ quốc gia và những tay đua mạnh lại tạo nên hình ảnh không đẹp khi không muốn… đạp xe nhanh về đích.
Dù chặng này không quá dài, điều kiện thi đấu cũng không mấy khắc nghiệt nhưng các tay đua mạnh như Bùi Minh Thụy, Hồ Văn Phúc (ADC THVL), Mai Nguyễn Hưng, Lê Văn Duẩn (Eximbank TP.HCM), Đỗ Tuấn Anh, Nguyễn Trường Tài (Dược Domesco Đồng Tháp), Nguyễn Thành Tâm, Lâm Công Danh (BVTV An Giang) lại đều quyết định ghìm nhau quyết liệt ở nhóm cuối đoàn đua ngay từ khi xuất phát.
Các VĐV này vì tị nhau nên không ai chịu đua đuổi. Dù đã ở tốp cuối nhưng tất cả đều cùng nhau đua “xe đạp chậm”, cả nhóm chỉ đạp xe như đang “diễu hành”. Họ đã “thảnh thơi” đạp xe trong sự chờ đợi của hàng ngàn khán giả tại đích đến giữa trưa nắng. Một hành vi vô văn hóa, hành vi phi thể thao, coi thường người xem. Nhưng dù nhóm tay đua này bị tính thành tích của người về chót hợp lệ (kém người về nhất 9’55”) cộng thêm 10 phút về đích mà chưa bị loại các tay đua đó ra khỏi cuộc đua. Đó là vì theo điều lệ giải, phải đến lần thứ 2 thì hành vi về trễ hơn so với quy định mới có thể bị loại.
Tuy vậy, dù còn được thi đấu tiếp ở cuộc đua nhưng các tay đua mạnh này đều kém người giữ áo vàng Võ Văn Tuấn xấp xỉ 20 phút nên họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh các danh hiệu chung cuộc. Đặc biệt khả năng tranh chấp áo vàng chung cuộc hầu như không còn.
Rõ ràng, những tay đua này đã mắc bệnh “sao”, tự tung tự tác, không nghe theo sự chỉ đạo của HLV và đã tự làm khó mình. Với kiểu cách thi đấu như thế, không chỉ giới hâm mộ chán ngán mà hẳn ban huấn luyện đội tuyển cũng cần xem xét tư cách của những VĐV đang khoác áo đội tuyển quốc gia này. Thái độ thi đấu không tích cực của các tay đua sẽ không giúp họ phát triển chuyên môn mà còn làm khán giả cảm thấy chán ngán với xe đạp Việt Nam.