Nhưng thông tin tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực nâng cao kỹ năng và sử dụng lao động do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 13/6 cho thấy, mới chỉ hơn 9% DN được khảo sát có hợp tác với trường nghề.
Chỉ 9% DN hợp tác với trường nghềNhận định chung về thị trường lao động Việt Nam, ông Đào Ngọc Huy – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH khẳng định vẫn còn bất cập. Cung lớn hơn cầu, đào tạo chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động, trong khi đó chất lượng còn hạn chế, số người thất nghiệp lớn, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng quan trọng nhất là cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Lao động được đào tạo vừa không phù hợp lại yếu về kỹ năng, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN.
|
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội . Ảnh: Phạm Hùng |
Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và DN là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nhân lực lao động trực tiếp, phục vụ sự phát triển của đất nước. Luật GDNN quy định, DN có trách nhiệm phối hợp với cơ sở GDNN để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo; đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo, nhưng thực tế số DN tham gia chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Thông tin từ ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Tổng cục GDNN, chỉ có 9,11% DN hợp tác với cơ sở GDNN, đồng nghĩa với 90,89% DN không có hoạt động phối hợp nào. Trong khi đó, hình thức hợp tác cũng là vấn đề đáng bàn. Chỉ có 2,31% DN cử cán bộ tham gia với cơ sở GDNN xây dựng chương trình đào tạo; 1,67% DN cử cán bộ, chuyên gia đến giảng dạy tại cơ sở GDNN. Việc tiếp nhận và hướng dẫn người học thực tập tại DN và gửi người lao động của DN đến học tập tại cơ sở GDNN chiếm tỷ lệ lần lượt là 4,9% và 4,87%.
Giải pháp nào?Một trong những giải pháp có tính đột phá được ông Tiến nêu ra là đưa DN thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. DN với vai trò nhà đầu tư, đồng thời là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình “Trường trong DN” nhấn mạnh vai trò đào tạo của DN với giáo viên chính là những thợ bậc cao, kỹ sư lành nghề kèm cặp, hướng dẫn học viên trên các thiết bị máy móc của DN.
Với vai trò thúc đẩy sự tham gia của DN vào hoạt động GDNN, thời gian qua, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục GDNN đã phối hợp thực hiện hoạt động tăng cường kết nối giữa DN với cơ sở GDNN. VCCI thí điểm triển khai mô hình hợp tác giữa cơ sở GDNN và DN đã đạt được một số kết quả bước đầu. Bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc Văn phòng giới chủ sử dụng lao động VCCI chia sẻ kinh nghiệm: Xuất phát từ mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu DN, được VCCI và Liên đoàn giới chủ Na Uy hỗ trợ, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghệ cao Đồng Nai và các DN đã thành lập các Ban tư vấn chất lượng nghề ô tô, nhà hàng – khách sạn. Ban tư vấn chất lượng tư vấn cho nhà trường xác định nhu cầu đào tạo lĩnh vực chuyên ngành hiện tại và dự báo 3 – 5 năm tới, từ đó xác định mục tiêu đào tạo…
Từ kết quả hoạt động của Ban tư vấn chất lượng đã giúp cho ngành Nhà hàng – khách sạn của trường CĐN Công nghệ cao Đồng Nai thiết lập được mạng lưới giữa nhà trường và DN. Thông qua mô hình này, đại diện VCCI đề nghị xây dựng một cơ chế chặt chẽ cho sự hợp tác giữa cơ sở GDNN với DN. Hai bên cũng phải chủ động hơn nữa trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác hoạt động GDNN.